Xây dựng Thương hiệu cá nhân: Sẽ thất bại nếu chỉ xây bề nổi

Câu chuyện về phát triển bản thân trong đó có “Personal Branding” (Xây dựng thương hiệu cá nhân) được khai thác và bàn luận sôi nổi tại một trong những hội thảo MBA For Success do ISB tổ chức. Khách mời của sự kiện là nữ doanh nhân Lê Thị Mai Linh, Giám đốc Ngành hàng Cao cấp L’Oreal Việt Nam.

Hãy bắt đầu nhân hiệu từ cái cốt lõi của chính bạn

Được nữ doanh nhân Mai Linh gọi là “nhân hiệu”, xây dựng thương hiệu cá nhân là một “từ khóa” được các bạn trẻ quan tâm rất nhiều trong những năm gần đây, khi mạng xã hội trở thành một “mảnh đất” màu mỡ để thể hiện bản thân. Không ít doanh nghiệp cũng xem các kênh Facebook, Twitter hay Linkedin là một kênh tham khảo về ứng viên trong tuyển dụng.

Theo “sếp” Mai Linh, Personal Branding cần cả một quá trình dài hơi, không phải ngày một ngày hai mà có thể định hình “thương hiệu cá nhân” trong mắt mọi người. Trên cả chặng đường dài ấy, bạn nên tự nhắc nhở mình rằng “giấy không bọc được lửa” hoặc “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.

Nói cách khác, không nên vẽ ra một hình ảnh cá nhân và sự phát triển bản thân “ảo” – không giống với con người thật của bạn. Những vẻ đẹp lung linh trên mạng xã hội sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu con người thật bên trong bạn đã được người khác “nhìn thấu”.

ISB MBA-For-Success-13_Xay-dung-Thuong-hieu-ca-nhan-1
Chị Mai Linh – Giám đốc Ngành hàng Cao cấp L’Oreal Việt Nam nhận định cần cả một quá trình dài hơi để có thể định hình “thương hiệu cá nhân”

Do đó, “nhân hiệu” nên dựa trên những giá trị thật của bạn. Và việc xây dựng thương hiệu cá nhân này nên phản ánh đúng và rõ sự phát triển của bản thân một cách tích cực qua từng ngày. Đừng quá chăm chút cho bề nổi mà quên vun xới cốt lõi bên trong.

Hình ảnh bạn là một người chân thành, tử tế hay khiêm tốn, hãy tiếp tục “chăm bón” cho những phẩm chất tốt đẹp này bằng những hành động thực tế. Điều này sẽ giúp tạo nên hình ảnh cá nhân đẹp đẽ, ấn tượng và vững chắc hơn. Tạo một vỏ bề ngoài hoàn mỹ nhưng bên trong không nhất quán với bên ngoài là điều tối kỵ.

Muốn vậy, trước hết cần định vị bản thân để biết được đâu là những giá trị tốt đẹp mà mình có thể “khoe”. Nữ doanh nhân nhắn nhủ bạn hãy tự hỏi mình: “Bạn muốn làm gì? Bạn giỏi nhất điều gì? Đâu là những giá trị mà bản thân muốn tạo ra cho chính mình và cho mọi người xung quanh?” Giao thoa giữa 3 kết quả từ 3 câu hỏi trên chính là những phẩm chất gốc rễ cho “nhân hiệu” của bạn.

PGS.TS Trần Hà Minh Quân cũng đồng tình rằng không nên xây dựng hình ảnh, thương hiệu cá nhân trên những cái chúng ta thực sự không có vì sẽ không thể giúp ta đi xa. Ngày nay, mọi bước xây dựng thương hiệu đều cần sự cẩn trọng tuyệt đối bởi mọi dấu vết trên mạng xã hội đều được ghi lại. Đôi lúc, những gì bạn thể hiện trên Internet ngày hôm nay sẽ là “bằng chứng” chống lại bạn trong mắt những nhà tuyển dụng, đối tác hay khách hàng tương lai.

Lên kế hoạch phát triển bản thân cho 5 năm đầu sau tốt nghiệp

Trong 5 năm đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn trẻ cần ghi nhớ rằng: Những trải nghiệm, bao gồm cả thành công hay thất bại, đều có giá trị cho bạn. Hai thứ này chắc chắn sẽ diễn ra như 1 quy luật tự nhiên. Thành công cho bạn động lực. Thất bại sẽ mang đến áp lực và bài học để sẵn sàng cho những thử thách tiếp theo. Vì vậy bạn nên mong chờ đón nhận cả thành công và thất bại. Nữ doanh nhân Mai Linh nhấn mạnh việc phát triển bản thân và sự nghiệp không có con đường tắt. Từng trải nghiệm hôm nay sẽ được tích lũy để trở thành kinh nghiệm, nền tảng vững chắc cho những kết quả của ngày mai.

Những thất bại hôm nay là để chuẩn bị cho bạn tiến đến phía trước với bản lĩnh mạnh hơn, biết cách sẵn sàng hơn và vượt qua thử thách tốt hơn. Vấn đề nằm ở chỗ bạn cần làm, cần dấn thân để từ đó liên tục điều chỉnh và phát triển bản thân theo hướng tích cực.

Chị Mai Linh cho rằng trong 5 năm đầu tiên sau tốt nghiệp, bạn cần có hoài bão và đặt ra những mục tiêu cụ thể cho bản thân. Những kế hoạch 1 năm, 2 năm, 5 năm thậm chí 10 năm, sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng mình đã đặt ra, tránh lãng phí nguồn lực.

Khi đã có kế hoạch thì bắt tay vào làm ngay. Đặc biệt, khi mới ra trường, bạn cần giữ tâm thế mình phải là một thành viên tốt trong một tập thể. Tránh việc tưởng rằng mình học rất giỏi là sẽ trở thành “anh hùng số 1”, từ đó không lắng nghe, không tiếp thu, sửa đổi. Cùng với đó là khả năng kết nối giữa người với người, kỹ năng làm việc nhóm.

ISB MBA-For-Success-13_Xay-dung-Thuong-hieu-ca-nhan-2
Theo nữ doanh nhân, những thất bại sẽ giúp bạn trưởng thành, còn “quả ngọt” hôm sau lại là trải nghiệm cho những thử thách kế tiếp trong tương lai

GS.TS Trần Hà Minh Quân cũng cho rằng những năm đầu sau khi tốt nghiệp đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ các bạn trẻ để tích lũy kinh nghiệm. Ở đó, các bạn cần có khả năng vượt qua giới hạn của bản thân và chuẩn bị sẵn sàng cho vai trò người lãnh đạo của những đội nhóm nhỏ.

“Thất bại có thể xảy ra nhưng cần kiểm soát được thất bại ấy. Điều quan trọng là nên tận hưởng quá trình làm việc và phát triển ấy, sống trọn vẹn thay vì chỉ lo nghĩ cho kết quả cuối cùng”, thầy Quân nói.

Đương đầu với thất bại cũng cần một tâm thế thích hợp. Theo nữ doanh nhân Mai Linh, nếu buồn vì thất bại, hãy sống thật với những cảm xúc ấy. Khi đã về tới “tận cùng” của nỗi buồn, bạn sẽ bắt đầu có những suy nghĩ và hành động để “bật dậy”.

Kể về quãng thời gian thi tốt nghiệp và tuyển sinh lên lớp 10, chị Linh bộc bạch: “Thật ê chề khi mình đang là học sinh hàng top của trường nhưng lại tự mãn không ôn tập và cuối cùng không đủ điểm giỏi. Suốt những ngày sau, tôi không dám nhìn mặt ai. Nhưng tôi đã sống thật với những cảm xúc khi đó, để cho nỗi buồn thật sự “xuống đáy” rồi mới có thể đứng lên làm lại”.

Nữ doanh nhân Mai Linh cũng đúc kết về hành trình phát triển bản thân: “Sau này tôi nhận ra nếu cứ để buồn phiền hay giữ những cảm xúc tiêu cực lưng chừng trong người thì rất khó tiến lên và tạo được những thay đổi”.

T.N