Gần 20 năm “thực chiến” trên “trận địa” quản trị nhân lực, diễn giả tại MBA Talk nhấn mạnh việc đi sâu vào quản trị hiệu suất bằng hệ thống KPI hay OKR linh hoạt có thể quyết định năng lực vận hành của tổ chức.
Tham dự hội thảo MBA Talk với chủ đề: HR – Ứng dụng OKRs và KPIs trong Doanh nghiệp do Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Anh Hùng – Giám đốc Khối Nguồn nhân lực CTCP PNJ là một trong ba diễn giả nhận lời cùng chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm và đưa ra những phân tích sâu sát liên quan đến KPI và OKR.
KPI hay OKR: Cần nhận diện mục tiêu và thách thức
Tại đây, Giám đốc Hùng đề cập đến những thách thức và mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp trong quản trị hiệu suất, từ đó, chứng minh tầm quan trọng của một hệ thống KPI hay OKR linh hoạt trong việc giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển ở thời đại mới.
Theo ông Hùng, giữa mục tiêu và thực tế luôn là một khoảng cách “dài rộng”, ngay cả khi người lãnh đạo đã nhìn thấy cơ hội, khả năng từ thị trường, có tư duy và xác định được mục tiêu chiến lược. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên chính là “nhận dạng” và đối mặt với “pain point” – những thách thức, vấn đề mà doanh nghiệp thường phải đối mặt khi xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất. Đó là sự thấu hiểu các vai trò, chức năng; tính xuyên suốt; tính đồng bộ; sự phối hợp và cộng hưởng; sự theo dõi, dự báo, ứng biến để xoay chuyển quan điểm và phương thức quản trị; sự linh hoạt điều chỉnh cho phương án back-up dự phòng; tính thuận tiện để phân bổ để tránh đứt gãy và sự lệch nhịp giữa các đơn vị khi phối hợp triển khai KPI; và sự công bằng.
Đã có trong tay nhiều công cụ quản trị hiệu suất như đo lường KPI (Key Performance Indicator) – Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc hay OKR (Objective Key Result) – Quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt… chúng ta cần hướng đến các mục tiêu nhất định. Các mục tiêu này xoay quanh sự thành công và phát triển bền vững của công ty; ý thức về vai trò, trách nhiệm của nhân viên; tính công bằng và hợp tác, gắn kết vì mục tiêu chung của tổ chức; cùng tính hiệu quả và tối ưu của khâu vận hành.
Ông Hùng khẳng định khi chia sẻ không dành “mối thiên vị” hẳn cho KPI, OKR hay một công cụ hỗ trợ quản trị hiệu suất nào. Thay vào đó, mối quan tâm đặt ở việc làm sao để cơ chế vận hành và cách thức quản trị của doanh nghiệp có thể đáp ứng được những điều trên.
Khách mời của MBA Talk lần này không quên điểm lại vài lý thuyết về KPI và OKR. Rằng KPI hướng tới đo lường mức độ thành công theo tiêu chuẩn đặc ra của tổ chức cho từng khía cạnh, còn OKR là kết quả và hướng tới đo lường mức độ một chuỗi những hành động hướng bám sát mục tiêu đã đề ra. Khi đó, đường đến thành công không phải là một con đường “thẳng” và “phẳng”, có cả “ổ gà, ổ voi” nhưng khơi gợi sức sáng tạo và sự chủ động ở người lãnh đạo để lên các chương trình hành động.
Thành công bắt nguồn từ sự ứng biến linh hoạt
Ngay từ những chia sẻ đầu tiên, Giám đốc Khối Nguồn nhân lực PNJ đề cao tính linh hoạt và nhạy bén (agility) và xác định các thứ tự ưu tiên tại một thời điểm nhất định, không tập trung quá nhiều vào chiến lược mà chia nhỏ thành các thứ tự ưu tiên, thay đổi liên tục dựa trên tình hình thực tế. Bên cạnh đó là sự tích hợp giữa cả KPI và OKR, thậm chí khi có những cái phương thức mới hữu ích và phù hợp hơn trong quản trị hiệu suất, ông Hùng vẫn sẵn sàng ứng dụng.
Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm từ việc quan sát và “thực chiến” của mình, ông Hùng mang đến những đơn vị đã thành công khi ứng dụng linh hoạt các công cụ quản trị như KPI và OKR… Pepsi đã đưa ra phương thức về quản trị tích hợp cả KPI và OKR để nâng cao năng nhà máy bằng cách liệt kê các hoạt động tạo nên kết quả mong muốn, từ đó đo lường mức độ thành công của từng chương trình.
Nestle đồng bộ hóa mục tiêu, nhằm xác định mục tiêu lớn của những tổ chức, sau đó chia nhỏ ra thành các tuyến hoạt động với mức chỉ tiêu khác nhau để đảm bảo sự tham gia vận hành có mặt ngay ở những cấp thấp nhất, kết hợp với việc “review” theo chu kỳ tùy theo từng cấp độ. Tại PNJ, ông Hùng cũng chỉ ra điểm chung trong việc tích hợp KPI, phân hóa thành các tuyến công việc và hành động chính được đo lường mức độ hoàn thành, từ đó phát hiện và khắc phục điểm lệch nhịp, bất thường. Công ty cũng thường xuyên theo dõi các biến động, chuyển hóa thành từng nhiệm vụ, từng bộ phận và thực hiện đo lường.
Ông Hùng chia sẻ thêm: “Quản trị trong thời đại mới không thể nào là đơn thuần quản trị bằng manual (thủ công) mà chúng ta cần một hệ thống số.”. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao tầm quan trọng của truyền thông nội bộ khi thực hiện quản trị kết quả công việc và tạo ra sự thay đổi trong phương thức quản trị.
Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ Kinh doanh liên kết giữa Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Western Sydney (Úc) – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm một chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.
Với phương pháp đào tạo qua tình huống thực tế, học từ trải nghiệm, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành, học viên sẽ có được góc nhìn đa chiều về một vấn đề, cách dung hòa giữa lý thuyết và thực tế để đưa ra những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp.
Tìm hiểu thêm tại: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/