Thương hiệu nhà Tuyển dụng: Khi tỷ lệ thất nghiệp là… 0%

Tại hội thảo MBA Talk, “thực tế ảo” trong tuyển dụng tại thị trường Việt Nam nơi phản ánh “tỷ lệ thất nghiệp là… 0%” đã được phân tích như một minh chứng cụ thể cho tầm quan trọng của Employer Branding – Thương hiệu nhà Tuyển dụng.

MBA Talk số 03 với chủ đề HR – Thương hiệu nhà Tuyển dụng, nói về cách xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, đồng thời chia sẻ các góc nhìn và chiến lược thu hút, việc giữ chân nhân tài ở một số công ty lớn tại Việt Nam. Hội thảo được tổ chức bởi Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các chuyên gia mảng Nhân sự đến từ nhiều đơn vị khác nhau.

3.000 hành vi và… 0%

ThS. Nguyễn Văn Hoá – Giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM chia sẻ Thương hiệu nhà Tuyển dụng (Employer Branding) bắt nguồn từ mô hình năng lực của nhân sự (thể hiện khả năng làm việc). Từ đây, mô hình của HR PA được biên soạn thành bộ giáo khoa 150 trang với 3000 hành vi có thể là một nền tảng giúp hỗ trợ một “HR chuyên nghiệp” tìm hiểu, tích lũy kiến thức tổng quan và thực hiện các hoạt động khác ở mọi khía cạnh của ngành. Trong đó, Định vị Giá trị nhân viên (EVP – Employee Value Proposition) cũng được nhắc đến như một khái niệm cơ hữu nhất trong Employer Branding với “Planning” và “Talent Management” là một trong những năng lực cần được nghiên cứu.

Thương hiệu nhà tuyển dụng thầy Hóa cầm mic nói
ThS. Nguyễn Văn Hoá – Giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

Ông Hóa cho biết, thị trường tuyển dụng Việt Nam thường có một “thực tế ảo” thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp là… 0% khi doanh nghiệp không nhận được các ứng tuyển, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp theo báo cáo thực tế rất cao. “Nghĩa là thương hiệu nhà tuyển dụng đang có vấn đề, thông tin của doanh nghiệp không đến được nơi cần đến hoặc là doanh nghiệp có thể đang rất tốt nhưng không ai biết là doanh nghiệp đang tốt cả.”, ông Hóa giải thích.

Bắt đầu được biết đến vào năm 1996, Employer Branding được phát triển từ thực tế vận hành của các công ty, là những giá trị được cung cấp bởi doanh nghiệp và được nhận diện dưới các doanh nghiệp tuyển dụng. Từ kinh nghiệm thực tế, ThS Hóa tâm đắc khái niệm Employer Branding với 3 yếu tố: định hướng của doanh nghiệp, cam kết của doanh nghiệp với các ứng viên; Hình ảnh, giá trị doanh nghiệp muốn truyền tải; Cảm xúc của ứng viên đối với doanh nghiệp.

Ông Hóa chứng minh tầm quan trọng của Employer Branding: “Đối với các công ty đa quốc gia, nếu các nhân viên là sữa thì những người giỏi là váng bơ của sữa. Những công ty nào làm Employer Branding tốt sẽ vớt được hết những váng bơ đó. Phần còn lại, dù cũng bổ và tốt, tuy nhiên sẽ rất là khó để cạnh tranh trong kinh doanh.”

Rốt lại, Thương hiệu Nhà tuyển dụng ngày càng trở nên cần thiết bởi đây không chỉ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút người tài mà còn giúp tạo nên sự cam kết, nguồn động lực làm việc cho nhân viên.

Để “vớt” váng bơ hiệu quả

Theo ông Hóa, cách tiếp cận cơ bản khi làm Employer Branding: Đi từ nhận thức và quyết định triển khai của nhà quản trị; Tạo được độ nhận diện doanh nghiệp mạnh mẽ từ bộ phận HR và Marketing. Ông khẳng định: “Nếu làm tốt, váng bơ sẽ tự tìm đến với chúng ta. Khi đó chi phí bỏ ra để có những người tài cho doanh nghiệp cũng tiết giảm hơn”.

thương hiệu nhà tuyển dụng thầy Hóa cầm mic nói
Thạc sĩ nhấn mạnh việc định hướng cảm xúc về thương hiệu là trách nhiệm của HR

Ông Hóa cũng chia sẻ quy trình “nằm lòng” của bản thân trong xây dựng Employer Branding, bắt đầu với 3 chức năng cơ bản là đầu tư, giữ chân và thu hút nhân tài. Quy trình bắt đầu với việc xác định và phát triển hình ảnh, danh tiếng cũng như các giá trị doanh nghiệp đem lại cho nhân viên tiềm năng hoặc hiện hữu trong công ty. Tiếp nối bằng việc tổ chức truyền thông thông tin đến những đối tượng mục tiêu và sau đó triển khai Internal Marketing (Truyền thông nội bộ), thuyết phục “người ngoài” bằng cảm nhận tích cực của chính “người nhà”.

Truyền thông giá trị của tổ chức cũng là cách để doanh nghiệp không bị động trong tuyển dụng. Một nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy việc truyền thông của tổ chức bao gồm Khả năng cạnh tranh; Văn hóa tổ chức doanh nghiệp; Yếu tố đào tạo và phát triển; Các đãi ngộ; Cách tận dụng các kênh truyền thông.

Ông Hóa cũng nhấn mạnh việc định hướng cảm xúc về thương hiệu với đối tượng mà doanh nghiệp hướng đến là trách nhiệm chính của bộ phận HR nhằm tránh tình trạng định vị sai hình ảnh thương hiệu và có vai trò quyết định với Employer Branding, khi có đến 86% người làm nhân sự khẳng định điều này. Tiếp sau đó là nhiệm vụ của bộ phận Truyền thông Doanh nghiệp hoặc Marketing.

Đặc biệt, sự xuất hiện của lãnh đạo doanh nghiệp cũng là yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Employer Branding, điển hình đó là Thế giới di động.

Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ Kinh doanh liên kết giữa Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Western Sydney (Úc) – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm một chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.

Với phương pháp đào tạo qua tình huống thực tế, học từ trải nghiệm, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành, học viên sẽ có được góc nhìn đa chiều về một vấn đề, cách dung hòa giữa lý thuyết và thực tế để đưa ra những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp.

Tìm hiểu thêm tại: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/