SVP Hitachi Vantara: Đừng để bị công nghệ bỏ rơi

Khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xảy ra, không ít người lo lắng sẽ mất đi những công việc truyền thống. Số khác sợ rằng mình không thể nào theo kịp. Đáng nói, không ít bạn trẻ đã chọn cách sớm “buông súng” khi vừa bước vào “trận địa” của kỷ nguyên số gắn với công nghệ.

Trong chuỗi chương trình MBA for Success do Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Bá Quỳnh, phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Hitachi Vantara, kiêm Tổng giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam, đã chia sẻ nhiều khía cạnh liên quan chủ đề “Thách thức chuyển đổi số – lãnh đạo và học tập”.

Đồng tiền luôn có hai mặt

Theo ông Quỳnh, người trẻ thời của ông lớn trong giai đoạn đất nước còn đói kém nên gặp rất nhiều khó khăn chuyện cơm áo gạo tiền, thiếu thông tin, thiếu cơ hội học hành và việc làm.

Ngày nay, thế hệ gen Z đang nắm sự đủ đầy trong tay. Chỉ với một smartphone, các bạn có thể nắm bắt mọi thông tin, tri thức. Nhưng thách thức ở đây là các bạn phải chọn được những thông tin chính xác và hữu ích. Giá trị của dữ liệu lớn (Big Data) nằm ở tính xác thực và khả năng lựa chọn tri thức để phù hợp với mục đích của bạn.

ThS. Nguyễn Bá Quỳnh – Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Hitachi Vantara; Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam

Ông Quỳnh cũng cho rằng, khi cách mạng công nghệ xảy ra, tâm lý chung là lo lắng. Nhưng ở góc độ khác, nhiều công việc mới cũng đã ra đời trong kỷ nguyên số. Điển hình, thay vì cần kế toán với mớ sổ sách, giấy má truyền thống, ngày nay các công ty lại “khát” những chuyên gia phân tích dữ liệu. Họ không chỉ nắm vững nghiệp vụ kế toán, mà còn thuần thục kỹ năng phân tích số liệu dựa trên những nền tảng kỹ thuật hiện đại.

Vì vậy, cơ hội và thách thức trong thời đại 4.0 là như nhau. Cốt lõi là ai nắm bắt được những tri thức, công cụ mới sẽ có nhiều cơ hội hơn. Rủi ro, nguy cơ với những bạn trẻ theo những ngành truyền thống là có, nhưng nếu học hỏi và nắm bắt công nghệ, họ sẽ dễ biến khó khăn thành thuận lợi cho mình.

“Mấu chốt của văn hóa số nằm ở tinh thần học hỏi. Ngày xưa, có thể bạn tốt nghiệp đại học là xong “sự học”. Nhưng ngày nay, bạn sẽ phải học suốt đời” – ông Quỳnh nói.

Thay đổi tư duy để thích ứng

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB – nêu câu hỏi vì sao không ít bạn trẻ đã nhanh chóng chọn cách sớm “bỏ cuộc chơi” quá sớm trong kỷ nguyên số?

Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, từ khóa ở đây là tư duy. Nếu luôn giữ trong đầu chữ “thua cuộc”, kết quả không tránh khỏi thất bại. Công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số mở ra cơ hội rất lớn để giới trẻ tiếp cận công việc hiệu quả hơn, dễ dàng theo đuổi những ý tưởng mới. Tri thức, công cụ, thông tin, cơ hội ngày nay đều nằm trong tay người trẻ.

Theo ông Quỳnh, thế hệ trước thường bỏ ra rất nhiều công sức để có được cơ hội tiếp cận kiến thức. Giờ đây, giới trẻ được gia đình “đầu tư” không ít để phát triển toàn diện. Sách vở, trường lớp, công nghệ luôn sẵn có, chỉ cần thay đổi tư duy để tiếp nhận. Khi vào môi trường làm việc, nhân sự trẻ được bao quanh bởi nhiều “vũ khí” hữu hiệu từ phân tích số, dữ liệu, cung cấp thông tin thông minh, trí tuệ nhân tạo,… vừa dễ tiếp cận vừa giúp tăng tối đa hiệu suất làm việc.

“Khi tư duy đổi khác, bạn có thể tự tin trong bất kỳ doanh nghiệp nào thì bạn cũng có thể thành công. Và mọi doanh nghiệp sẽ có một vị trí phù hợp với khả năng của bạn”, ông Quỳnh nói.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh chia sẻ tại một diễn đàn công nghệ, ông là cái tên khá quen thuộc trong giới chuyên gia công nghệ

Các doanh nghiệp lớn hiện nay luôn sẵn sàng hỗ trợ nhân sự trong công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Ở nhiều nơi, chuyển đổi số có xu hướng đi “từ dưới lên trên”, nghĩa nhân viên sẽ có nhu cầu bức thiết về đổi mới công nghệ, từ đó các lãnh đạo sẽ cảm nhận được áp lực đổi mới hệ thống máy móc, số hóa môi trường làm việc.

Nói cách khác, doanh nghiệp ngày trước chỉ có 3 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận và chi phí thì giờ đây, họ phải quan tâm thêm đến kiến tạo môi trường số để giúp công ty phát triển.

Về cơ hội học tập của nhân viên, ông Quỳnh cho biết doanh nghiệp ông đang theo mô hình “70-20-10”. Trong đó, 70% kiến thức mới cho người lao động nâng cao tay nghề sẽ có ngay trong từng công việc mà họ đang đảm nhiệm. Công ty sẽ tạo điều kiện giao các dự án thú vị và đa dạng giúp nhân viên tự học hỏi và rút ra kinh nghiệm cho mình.

20% việc học đến từ các đồng nghiệp. Nhân viên cần có tâm trí rộng mở và luôn sẵn lòng giao tiếp, hỏi han với các đồng nghiệp của mình. 10% còn lại đến từ các khóa học được công ty tổ chức để nâng cao kiến thức, kỹ năng của người lao động.

PGS.TS Trần Hà Minh Quân nhấn mạnh về giá trị của sự tự học như một kim chỉ nam trên con đường chuyển đổi số. Ông cho rằng, học sinh Việt Nam trước nay thường theo “mô tuýp” học thật tốt ở phổ thông và đại học là xong. Ngày nay, để tồn tại, người trẻ phải luôn tự học để cập nhật kiến thức cho mình.

Ông Quân khẳng định: “Mặc dù vô số cái mới có xuất hiện, nguyên lý của chúng sẽ không thay đổi, chỉ có cách làm khác đi. Kinh nghiệm mà các bạn trẻ tích lũy không phải là cách thức làm những việc hôm qua, mà là sự ứng biến linh hoạt để giải quyết vấn đề mới hôm nay và ngày mai.”

T.N