Có nên du học Thạc sĩ kinh doanh – MBA sau khi tốt nghiệp?

Đó là phân vân của không ít sinh viên Việt Nam ngày nay, đặc biệt những bạn theo các chuyên ngành kinh tế. Liệu chương trình MBA, vốn chứa đựng nhiều giá trị và có thể tạo đòn bẩy bứt phá cho người học – nhất là những lao động đã có kinh nghiệm làm việc – có phù hợp với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp?

Giá trị “độc nhất” cho người trẻ

Theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB – nhìn chung mỗi chương trình MBA đều được thiết kế đảm bảo 5 ý nghĩa cốt lõi cho người học. Thứ nhất, sau chương trình, người học được cung cấp những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực quản trị và kinh doanh. Thứ hai, MBA giúp phát triển kĩ năng quản lý và lãnh đạo cho mỗi cá nhân. Thứ ba, những hiểu biết và kinh nghiệm thu được từ MBA có thể giúp người học – nhất là những người đã và sẽ kinh doanh – giải quyết được những “điểm nghẽn” thực tiễn phát sinh trong chính công việc của mình. Thứ tư, thời gian học MBA là cơ hội cho các bạn mở rộng mối quan hệ cần thiết cho tương lai. Thứ năm chính là sức hút của tấm bằng MBA, như một giấy chứng nhận giá trị cho người lao động trong thời buổi kinh tế – thị trường.

Viện ISB_du học thạc sĩ kinh doanh MBA
PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB chia sẻ trải nghiệm học MBA tại Úc

Thầy Quân chia sẻ, nhiều người cho rằng, MBA chủ yếu dành cho những ai đã đi làm lâu năm bởi ngoài việc xây thêm kiến thức trên nền kinh nghiệm đã có, các bạn còn thu nhận rất nhiều kinh nghiệm từ những bạn học đang làm nhiều ngành nghề khác nhau. Chẳng hạn, từ một câu chuyện khủng hoảng truyền thông, một bạn trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn sẽ xử lý khác, một bạn làm logistics sẽ xử lý khác,… từ đó giúp người học có được những bài học đa dạng và sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bạn trẻ vừa ra trường cũng tìm học MBA với những giá trị riêng. Quan trọng nhất, vừa tốt nghiệp, sinh viên có thể có thể giữ được “đà” học vẫn còn. Thông thường, nhiều người sau khi đi làm một vài năm sẽ cảm thấy “ngán” học lên cao hoặc không dám tạm gác sự nghiệp được gầy dựng để ra đi, nên việc du học MBA lúc này khó hơn nhiều so với khi mới ra trường.

Thầy Quân cho biết, ngày nay, nhiều chương trình MBA cũng đã được thiết kế dành riêng cho sinh viên mới tốt nghiệp hay những người chưa nhiều kinh nghiệm làm việc. MBA Venture là một chương trình như thế.

MBA Venture chú trọng đến sự trải nghiệm, nơi đó các bạn có cơ hội tiếp xúc môi trường quốc tế, giúp đào sâu kiến thức chuyên môn, mở rộng hiểu biết xã hội, tạo điều kiện nâng cao ngoại ngữ. Chưa kể, chính những mối quan hệ bốn phương quý giá này sẽ giúp ích cho công việc trong tương lai. Bạn sẽ có không gian độc lập để trưởng thành hơn khi gần như một mình lo toan và kiểm soát mọi thứ khi không còn gia đình: phải tự nấu ăn, giặt giũ, phải đi học, phải làm thêm,… Khi quản lý được tất cả, nhất là với những bạn trẻ – nhất là các “cô cậu” từng được bố mẹ chiều chuộng khi còn ở Việt Nam – sẽ tích lũy được một khối kinh nghiệm sau chuyến du học.

“Theo quan sát của tôi, thời gian du học – dù ít dù nhiều đều là đòn bẩy giúp các bạn trẻ vượt qua những giới hạn về ngôn ngữ, văn hóa, và năng lực cho bản thân. Không ít bạn, sau khi trở về từ nước ngoài đã tự tin hơn vào chính mình. Đó là kết quả tổng hợp của hàng loạt khám phá bản thân trong thời gian học MBA Venture.” – ông Quân nói.

Tạo lợi thế cho lao động

Theo TS. Hồ Phú Hải – giảng viên Trường ĐH RMIT – thời gian du học ở MBA sau khi tốt nghiệp không hẳn là sự chững lại, mà thực chất là sự tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và phát triển tư duy cho những cú bật nhảy cao hơn trong tương lai. Người những gì trên giảng đường, du học sinh còn thu nhận được nhiều kiến thức từ chính những bạn học tài năng, trong đó không ít những người hiện đang nắm giữ chức vụ quản lý trong nhiều công ty đa quốc gia.

Chẳng hạn, thầy Hải nhớ lại trước đây may mắn được học chung một cô nắm chính marketing cho tập đoàn Motorola thị trường Úc. “Những khi học nhóm, cô sẵn lòng chia sẻ rất nhiều vấn đề thực tế, các cách xử lý tình huống khôn khéo và linh hoạt mà sau này tôi ứng dụng rất nhiều vào công việc sau này.” – thầy Hải nói.

Thầy chia sẻ thêm, các bạn học đến từ khắp nơi như Philippines, Indonesia, Hàn Quốc,… giúp du học sinh có được nhiều trải nghiệm trong môi trường đa văn hóa, giúp tăng cường kỹ năng làm việc môi trường đa quốc gia. Đó là chưa kể kĩ năng cũng được nâng cao sau thời gian du học. Ngoài ra, việc phải tự lập sinh sống, học tập và làm thêm giúp tăng cường khả năng của mỗi cá nhân.

Tất cả tạo nên sự khác biệt của một người từng tham gia chương trình MBA so với các ứng viên khác. Yếu tố khám phá (Venture) trong MBA góp phần tạo nên sức bật lâu dài cho các lao động trên thị trường.

ThS. Nguyễn Văn Hóa - nguyên giám đốc nhân sự DongA Bank khẳng định tấm bằng MBA không thực sự để lại lợi thế trong hồ sơ xin việc
ThS. Nguyễn Văn Hóa – nguyên giám đốc nhân sự DongA Bank khẳng định tấm bằng MBA không thực sự để lại lợi thế trong hồ sơ xin việc

ThS. Nguyễn Văn Hóa – nguyên giám đốc nhân sự DongA Bank, Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP. HCM – lưu ý, cần khẳng định tấm bằng MBA không thực sự để lại lợi thế trong hồ sơ xin việc của ứng viên. Điều quan trọng nằm ở việc tư duy, khả năng giải quyết tình huống thực tiễn của ứng viên đó có được thể hiện tốt trong quá trình phỏng vấn hay không.

“Thế nhưng, theo kinh nghiệm của tôi, đa phần ứng viên từng học thạc sĩ sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn các cử nhân. Tương tự, các thạc sĩ nước ngoài tư duy nổi trội hơn những ứng viên có bằng thạc sĩ trong nước.” – ông Hóa nói. – “Lúc này, những gì được học ở chương trình MBA sẽ phát huy tác dụng”.

Bắt đầu từ năm 2010, Đại học Western Sydney (WSU), Úc và ISB ký kết hợp tác chia sẻ nguồn lực và chuyên môn của hai bên về giáo dục quản trị của hai đơn vị.

Mục đích chính của liên kết hợp tác này nhằm mang lại lợi ích tối đa cho sinh viên Cử nhân và MBA; tích cực hỗ trợ các hoạt động trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và tham quan học tập giữa sinh viên Việt Nam và Úc.
Tìm hiểu thêm tại https://isb.edu.vn/

TRỌNG NHÂN