Vnexpress.net | Chuyển hướng du học thời Covid-19

Thấy tình hình Covid-19 tại Australia, Canada còn phức tạp, dù tiếc nuối, chị Dương Thị Hoài Chân (quận Tân Bình, TP HCM) quyết không cho con du học năm nay.

Chị Hoài Chân chia sẻ, con trai đang học tại một trường quốc tế nhỏ, thuộc dự án thí điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM và Bộ Giáo dục Australia. Vì học theo chương trình Australia, năm học mới bắt đầu vào tháng 1 và kết thúc tháng 11 cùng năm, hè năm nay con chị Chân chưa thể tốt nghiệp.

Đầu năm 2020, khi Covid-19 chưa lây lan mạnh, chị vẫn dự định cho con du học Australia hoặc Canada vì hai quốc gia này đều cho phép nhập học tháng 1. Tuy nhiên, số ca nhiễm bệnh trên thế giới tăng lên hơn 11 triệu, Australia và Canada vẫn học online, chị Chân phải cân nhắc phương án khác.

Vì tốt nghiệp vào tháng 11, con trai chị không thể vào đại học truyền thống (nhập học vào tháng 9) trong năm nay. Chị Chân chuyển hướng xem xét cho con học ngành Tài chính theo chương trình nước ngoài như ở Đại học Việt Đức, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM), Viện Đào tạo quốc tế (Đại học Kinh tế TP HCM) và một số trường khác.

Ngoài ra, chị cũng tìm hiểu mô hình đào tạo 2+2 hoặc 2+1, tức chương trình học hai năm đầu ở Việt Nam, còn lại du học theo các dự án liên kết giữa đại học Việt Nam và thế giới.

Tuy nhiên, người mẹ gặp khó khăn khi con trai có thiên hướng học Toán, Hóa, Sinh và các ngành Khoa học đời sống, trong khi các trường chị cân nhắc có thế mạnh trong đào tạo kỹ thuật, kinh tế. “Tôi hiểu y dược là ngành đặc thù. Ở Việt Nam không nhiều trường quốc tế giảng dạy và coi đây là ngành đào tạo mũi nhọn”, chị Chân nói.

Tự nhận vì con trai “không giống mọi người lắm”, chị Chân thường hướng đến các lựa chọn phi truyền thống. Nếu con chưa muốn vào đại học, chị hoàn toàn ủng hộ quyết định “gap-year” của con. Trong thời gian đó, chị dự định để con học thử một số trường nghề, thậm chí sang Israel học khởi nghiệp.

Người mẹ cho rằng nếu nhìn vào mặt tích cực, Covid-19 giúp chị và con trai có thêm thời gian để tìm ra con thực sự phù hợp và thích lĩnh vực gì. “Với nhiều gia đình, du học như một sự đánh cược. Nhiều khi sang đến nơi, con mới thấy không hợp, không thích nhưng vì đã lỡ nộp tiền, lỡ ra nước ngoài nên cứ phải theo và thường xuyên gặp stress”, chị Chân nói, khẳng định lựa chọn đó tốt đến mấy nhưng sẽ vô nghĩa nếu không phù hợp với con.

Covid-19 cũng khiến chị Chân hiểu rằng cuộc sống thay đổi rất nhanh, mọi dự định đều phải linh hoạt. Do đó, chị cũng như những phụ huynh khác cần tự học và dạy con thoải mái với sự thay đổi, học cách thích nghi.

Cùng quan điểm, anh Trần Mạnh Trung, sống tại Lâm Đồng, cũng hoãn kế hoạch du học của hai con gái sinh đôi. Ban đầu, anh mong các con qua Australia, học mỹ thuật và thiết kế. Tuy nhiên, nhìn con của bạn bè đã sang Australia được 1-2 năm phải “du học online”, anh Trung đã nói chuyện với con.

Chuyển hướng du học thời Covid-19
Sinh viên Đại học Simon Fraser, Canada, tham dự lễ tốt nghiệp. Ảnh: Shutterstock.

“Chúng tôi thống nhất nếu cố du học năm nay rồi vẫn phải ở Việt Nam học online, việc này không xứng với số tiền bỏ ra, nhất là khi tôi phải lo chi phí cho hai con cùng lúc. Vì thế, dù bất đắc dĩ, tôi vẫn quyết định hoãn du học cho hai con”, anh Trung nói.

Theo học tại trường một trường THPT chuyên trong tỉnh, hai con gái của anh Trung sẽ tốt nghiệp trong ít ngày tới và dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 8. Trước đó ba tháng, anh đã để hai con chủ động chọn đại học yêu thích. Trong khi chị gái sẽ học thiết kế tại một trường quốc tế, người em chọn Đại học Kiến trúc TP HCM.

“Dù đã đặt cọc cho cả hai con tại trường quốc tế và mất nửa khoản tiền khi một con không vào trường, tôi vẫn khá vui vẻ khi con đã xác định được mục tiêu”, anh Trung chia sẻ. Nhiều người cho rằng không du học thì không hợp thời nhưng người bố đánh giá, biết hoãn dự định du học của con năm nay mới là phù hợp với tình hình thế giới, dù là giải pháp bất đắc dĩ.

Tại Viện ISB, thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, năm nay số phụ huynh và học sinh tìm hiểu về các chương trình chuyển tiếp du học hoặc du học bán phần tăng cao so với cùng thời kỳ năm ngoái. Viện ISB phải tăng cường 3-4 nhân viên cho bộ phận tuyển sinh để tư vấn, hỗ trợ các gia đình nộp hồ sơ.

Theo thạc sĩ Lê Thị Linh, phụ trách bộ phận Tư vấn Tuyển sinh, vì chưa hết thời gian tuyển sinh, Viện chưa thống kê chính xác số lượng hồ sơ, ước tính tăng khoảng 50% so với năm ngoái. “Từ thực tế Covid-19 dẫn đến sự thay đổi định hướng du học của các gia đình, chúng tôi đã dự trù trước việc gia tăng số lượng hồ sơ, nhưng đến 50% đúng là chưa lường trước”, bà Linh nói.

Năm ngoái, Đại học Kinh tế TP HCM tuyển 5.000 sinh viên, riêng Viện ISB 500 em. Lãnh đạo Viện đang đề xuất với trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là châu Á 70.000, kế đến là châu Mỹ 50.000, châu Âu 40.000, Australia và New Zealand 30.000. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh lên đường du học. Tuy nhiên, do Covid-19, đa số phải hoãn hoặc bảo lưu kết quả.

Theo Vnexpress.net