Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn Hitachi Vantara kiêm TGĐ Hitachi Vantara Việt Nam, đánh giá MBA là một chứng chỉ thật sự quý giá. Môi trường MBA hữu ích với các bạn đã đi làm và những ai đang có “tham vọng” phát triển nghề nghiệp của mình.
Chia sẻ trên được ông Quỳnh, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam, nêu ra tại chương trình MBA for Success do Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây.
Kho tàng kiến thức và những kết nối vô giá
Từng chinh phục chứng chỉ MBA tại ĐH Hawaii (Mỹ) nổi tiếng, ông Quỳnh cho rằng giá trị của MBA không chỉ là tấm bằng. MBA như một sân chơi, ở đó, người học sẽ bắt gặp nhiều tài năng cũng đang ấp ủ những ước mơ, hoài bão trên con đường kinh doanh. Được học và kết nối trong một cộng đồng tuyệt vời như thế, bạn sẽ có cơ hội tiến bộ rất nhanh.
Những gì lĩnh hội được từ chính những bạn học không thua gì kiến thức thu nhặt từ các giáo sư đầu ngành. Ông Quỳnh khẳng định: “Đồng môn của bạn cũng là những người thầy tốt. Với những người có hoài bão và ý chí, khả năng thành công trong tương lai rất cao. Nếu có kết nối đủ rộng, cộng đồng MBA sẽ giúp ích khá nhiều cho công việc và sự nghiệp của mình”.
Với những nhà quản lý doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, tấm bằng MBA còn là một chứng nhận họ đã thật sự trải qua một môi trường tiêu chuẩn với những kiến thức tối cần thiết để lãnh đạo. Nhiều góc nhìn hay cách giải quyết vấn đề thực tiễn cũng sẽ được rèn luyện qua từng học phần. “Đó là một trong rất nhiều thứ mà MBA đã giúp ích cho sự nghiệp của tôi”, ông nhấn mạnh.
Với các công ty công nghệ mà ông Quỳnh từng “chinh chiến”, ông linh hoạt đưa ra những quyết sách “hợp tình hợp lý” với “dân” công nghệ. Theo ông, nhân sự mảng công nghệ thông tin thường ra quyết định tương đối chậm, nên người lãnh đạo cần quyết đoán. Tuy nhiên cần cân bằng tùy tình huống. Sẽ có nhiều cách để thu thập ý kiến của nhân viên, và người lãnh đạo sẽ quyết định tổng hợp các ý kiến đó để ra quyết sách cuối cùng.
Gửi lời khuyên đến các bạn trẻ, ông cho rằng dù mục đích của chương trình MBA thường khá rộng, nên mỗi người cần xác định đúng mục tiêu và đánh giá đúng mong đợi trước khi theo học. Chẳng hạn, nhiều lao động trong lĩnh vực kinh tế sau nhiều năm đi làm muốn có thêm cơ hội cọ xát, nâng cao kiến thức, mở rộng mối quan hệ,… thì MBA là lựa chọn đáng cân nhắc.
Con đường học vấn của ông Nguyễn Bá Quỳnh khá dài. Thời niên thiếu, ông từng là học sinh xuất sắc của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa). Khi là một sinh viên tài năng ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông nhận được học bổng chính phủ du học tại ĐH Bách khoa Ba Lan. Tiếp đó, ông lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin tại Trường ĐH Pháp – Ba Lan, rồi sang Pháp bảo vệ luận án thạc sĩ Viện Nghiên cứu máy tính quốc gia INRIA. Về sau, ông chinh phục chương trình MBA danh giá tại ĐH Hawaii (Mỹ).
KPI thành công không chỉ là sự nghiệp
Hơn 20 năm, ông Nguyễn Bá Quỳnh kinh qua nhiều ghế tổng giám đốc, giám đốc dịch vụ ngành công nghệ thông tin tại các tập đoàn đa quốc gia như IBM, Hewlett Packard, Schneider Electric và giờ đang là “sếp lớn” của Hitachi Vantara Việt Nam. Dù luôn ngồi “ghế nóng”, đối mặt với nhiều áp lực, ông vẫn nổi tiếng là người rất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ông Quỳnh cho rằng sự thành công của một người không được xem xét trên KPI duy nhất là sự nghiệp. Định nghĩa về thành công có “hằng hà sa số”, nhưng theo ông đó là sự thỏa mãn những gì chúng ta đạt được trong và ngoài công việc.
Cuộc sống sẽ trọn vẹn khi ta biết dừng đúng lúc, theo đuổi các mối quan tâm khác nhằm nạp năng lượng cho mình trước khi đi tiếp. “Tôi may mắn có niềm yêu thích âm nhạc. Những khi căng thẳng, một bản nhạc sẽ giúp tinh thần thoải mái rất nhiều. Quản trị là ra quyết định, khi cân bằng thì sẽ quyết định chính xác hơn. Sẽ rất phí phạm cuộc sống nếu chỉ tập trung vào công việc”, ông Quỳnh nói.
MBA cũng… chuyển đổi số
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB (ĐH Kinh tế TP.HCM) – cho rằng hiện nay nhiều trường có giảng dạy chương trình MBA chuẩn quốc tế đã và đang thay đổi theo hướng đem công nghệ vào chương trình. Đây là đòi hỏi bắt buộc để học viên có những kiến thức và kỹ năng cập nhật cho công việc thời 4.0.
Quá trình chuyển hướng khiến nhiều môn học thay đổi. Chẳng hạn trước đây nhiều trường dạy môn Market Research (Nghiên cứu thị trường) thì nay không ít thay bằng môn Market Inside Analytics (Phân tích thị trường). Nhân sự thời đại số không chỉ tìm và thu thập dữ liệu mà còn phải đọc, hiểu và sử dụng được dữ liệu dựa trên những nền tảng công nghệ mới nhất.
Nhiều chương trình đã tăng cường áp dụng các “business game” với những tình huống kinh doanh giả định để học viên tập cách đưa ra quyết định. Sự luyện tập giúp người học rèn cách chọn hướng đi có rủi ro thấp, dễ kiểm soát nhất.
Ngày nay, “Tư duy thiết kế” (Design Thinking) luôn là đòi hỏi của nhiều doanh nghiệp với các ứng viên khi tuyển dụng bởi đó như một chỉ số cho khả năng bứt phá trong tương lai.
Nguồn: Cafef