Theo ông Tăng Gia Hải Lam – Phó tổng giám đốc YouNet Group, mục tiêu cốt lõi của marketing là hoạt động kinh doanh, thay vì làm cho hay như nhiều bạn trẻ lầm tưởng.
Tại số thứ 6 của chuỗi UniPrep với chủ đề “Đào tạo marketing – bối cảnh mới, xu hướng mới”, ông Tăng Gia Hải Lam cùng bà Lê Huỳnh Phương Thục – Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam; bà Lưu Thanh Huyền – Giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức L’Oréal Việt Nam và đã chia sẻ về lộ trình sự nghiệp, những kỹ năng cần có và cách xác định nghề nghiệp cho marketer trẻ.
Độc giả xem chương trình tại đây. |
Theo các diễn giả, sau khi ra trường, sinh viên theo học marketing có nhiều sự lựa chọn để phát triển sự nghiệp. Trong đó có marketing in-house (clinent), tức truyền thông cho doanh nghiệp mình đang làm. Ngoài ra là làm việc cho agency và cung cấp giải pháp marketing, truyền thông cho đơn vị đối tác, khách hàng.
Ông Tăng Gia Hải Lam, bà Lê Huỳnh Phương Thục đã đi theo hai định hướng này và cùng xuất phát từ vị trí thực tập sinh tại các tập đoàn lớn để được đào tạo bài bản, nhận biết các hoạt động trong nghề.
Bên cạnh đó, host của chương trình, PGS. TS Trần Hà Minh Quân cũng cho biết, các bạn trẻ cũng có thể xuất phát từ nhánh nhỏ, có phục vụ cho marketing như nghiên cứu thị trường, kinh doanh (salesman)… để có thêm trải nghiệm, hiểu biết về khách hàng, ngành nghề.
Theo bà Lưu Thanh Huyền, nhu cầu thị trường ngày càng cao, số lượng sinh viên theo học marketing cũng rất lớn. Tuy nhiên, nhân sự chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người của doanh nghiệp lại không nhiều.
Nguyên nhân một phần đến từ các quan điểm một chiều, không nắm rõ thử thách trong nghề của các bạn trẻ. Bà Phương Thục nhận định, nhiều bạn quan niệm “nghề marketing nghe sang” và có vẻ kiếm nhiều tiền. Thực tế, nghề này có tính chọn lọc rất cao và tuổi thọ không dài. Sau 10 năm, marketer cần suy nghĩ đến con đường kế tiếp của bản thân mới có thể đấu lại sự cạnh tranh trong ngành
“Thực ra nghề nào cũng ‘sang’, có chỗ đứng và có thể kiếm tiền tốt nếu như các bạn giỏi. Marketing rất đẹp nhưng cũng rất khắc nghiệt. Do đó, các bạn hay chọn ngành học theo đúng sở trường để có thể phát huy thế mạnh”, bà khẳng định.
Với thời đại công nghệ số, truyền thông mang tính đa chiều, tương tác và trải nghiệm người dùng. Trong khi đó, những điều này thay đổi liên tục, nhanh chóng, đặt ra thêm một khó khăn cho marketer. Các bạn có thể gặp tâm lý fomo, sợ bỏ lỡ thông tin, không bắt kịp nhịp biến đổi của xã hội.
Như vậy, để không trở thành “khoảng trống” trong thị trường ngành nghề, ông Hải Lam khuyên các bạn trẻ cần trang bị kỹ năng tự học, cập nhật những diễn biến bên ngoài. Tuy nhiên, đổi mới không ngừng này vừa là khó khăn, vừa là cơ hội cho sinh viên. Các bạn có thể nắm bắt thông tin rất nhanh với sự trợ giúp của công nghệ. Quan trọng là làm gì với những điều đó và hệ thống ra sao để không lạc nhịp so với nghề marketing.
Theo Phó tổng giám đốc YouNet Group, nền tảng kiến thức bài bản sẽ giúp marketer làm được điều này bởi mục tiêu cuối cùng của marketing cần đạt được là kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp đó. Các bạn trẻ không nên hiểu lầm marketing là làm cho hay. Nghề này phục vụ cho công ty, cốt lõi của marketing vẫn phải là kinh doanh.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, Giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức L’Oréal Việt Nam cho biết bà cũng đánh giá cao năng lực cốt lõi, nền tảng và tố chất ở ứng viên. “Dân chuyên” và “tay ngang” cùng có thể đưa ra ý tưởng, tuy nhiên, một người có kiến thức căn bản sẽ đi từ phân tích dữ liệu, hành vi, thói quen và sự thật ngầm hiểu (insight) của người dùng… thay vì cảm thấy bên ngoài có điều gì đó hay. Mọi hoạt động marketing đều cần giúp ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, nhà tuyển dụng có thể nhìn nhận ở ứng viên theo hai khía cạnh: tố chất, độ nhạy với người tiêu dùng và tình yêu, niềm đam mê với việc phát triển, xây dựng thương hiệu, sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, các diễn giả khẳng định, một “tay ngang” vẫn có thể thành công trong nghề nếu có tinh thần ham học hỏi và nỗ lực hơn người xuất phát từ ngành học marketing rất nhiều. “Người ta có sẵn nền móng nhưng mình thì không. Do đó mình phải bắt đầu xây dựng, trong quá trình làm phải học, hệ thống liên tục mới có thể theo kịp”, ông Lam nói thêm.
Như vậy, một marketer trẻ muốn thăng tiến trong nghề cần có tư duy kinh doanh, sáng tạo, năng lực phân tích và tinh thần ham học hỏi. Bà Thục lưu ý thêm, marketing có thể thay đổi hành vi người dùng, do đó, đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng.
“Các bạn làm marketing rất dễ rơi vào những cái con đường “tà đạo” trong ngành. Hãy chỉ marketing những sản phẩm, dịch vụ có ích cho con người, phục vụ được sự phát triển của xã hội và tốt cho con người”, bà nói thêm.
Để có được những yếu tố này, các bạn trẻ cần chuẩn bị ngay từ thời điểm còn trên giảng đường. Sinh viên có thể trau dồi kinh nghiệm qua việc thực tập, làm thêm, hoạt động hội nhóm hoặc tham gia vào các nhóm marketer để quan sát, học hỏi từ người đi trước.
Đồng thời, các đơn vị đào tạo đại học cũng có thể hợp tác với doanh nghiệp để trang bị cho học viên kiến thức, góc nhìn mới, gần với thực tiễn. Theo ông Lam, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành cùng các trường đại học bởi đây cũng là cách để tìm kiếm nhân sự tiềm năng.