Theo báo cáo của McKinsey & Company, hơn 25% người lao động có thể phải chuyển đổi việc làm so với trước khi đại dịch xảy ra.
Báo cáo này chỉ rõ, trước đại dịch chỉ khoảng 6% người lao động có nhu cầu “nhảy việc” để tìm kiếm mức lương cao hơn. Tuy nhiên, hậu Covid-19, một tỷ lệ lớn người lao động có thể phải chuyển đổi việc làm vì những công việc trước đây không còn phù hợp bối cảnh mới. Thậm chí, nhà tuyển dụng còn đưa ra những yêu cầu nâng cao như đòi hỏi người lao động trang bị thêm các kỹ năng mới, tay nghề chuyên môn…
Nghiên cứu của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company được thực hiện năm 2021 tại 8 quốc gia có các mô hình thị trường lao động và kinh tế đa dạng: Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Anh. và Mỹ.
Cũng theo nghiên cứu này, quy mô và tính chất của quá trình chuyển đổi lực lượng lao động trong những năm tới sẽ còn nhiều thách thức. Cụ thể, hơn 100 triệu công nhân sẽ phải tìm một nghề nghiệp khác vào năm 2030. Con số này nhiều hơn 12% so với ước tính trước khi đại dịch xảy ra, và có thể lên đến 25% ở các nước có nền kinh tế tiên tiến. Tại Mỹ, những người không có bằng đại học có nhu cầu chuyển đổi nghề cao hơn 1,3 lần so với những người có bằng đại học. Tại Pháp, Đức và Tây Ban Nha, tỷ lệ chuyển đổi công việc cần thiết do Covid-19 đối với phụ nữ cao gấp 3,9 lần so với nam giới. Tương tự, nhu cầu thay đổi nghề nghiệp sẽ ảnh hưởng đến lao động trẻ hơn lao động lớn tuổi và những người không sinh ra ở Liên minh châu Âu nhiều hơn lao động bản địa.
Ông Srinivas B Reddy, Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng từng phát biểu tại một diễn đàn quốc tế về tương lai việc làm trong bối cảnh Covid-19 hồi tháng 7/2021 rằng, Covid-19 buộc con người phải thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục – đào tạo. Mặc dù là cơ hội cho người trẻ tuổi được tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn, nhưng cũng gây tác động tiêu cực đối với những nghề cần đòi hỏi tay nghề.
Còn theo nghiên cứu của ông Till Alexander Leopold, Giám đốc Trung tâm Tầm nhìn tiên phong, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đại dịch khiến hơn 80% công ty phải đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển sang làm việc từ xa, gia tăng tự động hóa lên 50%. Vị này dự đoán, những công việc sẽ gia tăng trong tương lai gắn liền với khoa học – công nghệ như: Phân tích dữ liệu và khoa học, trí tuệ nhân tạo và chuyên gia máy móc, chuyên gia dữ liệu, chuyên gia marketing và chiến lược số… Trong khi những công việc bị giảm nhu cầu tuyển dụng bao gồm: Thư ký nhập dữ liệu, thư ký hành chính, kế toán, công nhân lắp ráp…
Tại Việt Nam, báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến tháng 12/2020 cho thấy, cả nước có đến 32,1 triệu lao động bị tác động, trong đó 39,9% số lao động phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 14% buộc phải tạm nghỉ, tạm ngừng làm việc. Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp thấp kém, không có nghề dự phòng, phần lớn người lao động chỉ biết một nghề, nhiều người chỉ là lao động phổ thông, không biết hoặc yếu kém về ngoại ngữ, ít có khả năng dịch chuyển để tìm kiếm việc làm ở nơi khác… cũng khiến người lao động gặp khó khăn khi tìm việc làm trong bối cảnh mới.
Thực tế, sau đại dịch, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, bao gồm nhu cầu của người tiêu dùng cũng như phương thức vận hành của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến (online) nhiều hơn. Đối với các doanh nghiệp sẽ là sự kết hợp giữa mô hình online-offline và đặc biệt sự thay đổi trong mô hình kinh doanh. Từ đó, dẫn tới dự báo có nhiều biến động trong nhu cầu về lực lượng lao động để đáp ứng cho các doanh nghiệp trong vòng 5-10 năm tới.
Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia nhận định bối cảnh Covid-19 kết hợp với công nghệ 4.0 như “song kiếm hợp bích” làm mọi thay đổi diễn ra nhanh và khó đoán trước. Mặt khác, nó tạo ra những thói quen mới cho cả người tuyển dụng và người lao động, nhất là người trẻ. Xu thế người trẻ nhảy việc nhiều trong thời gian ngắn, hay người lao động thích làm việc từ xa…
Trước tình hình thực tế và dự kiến về sự thay đổi đối với các ngành nghề cũng như lực lượng lao động trong tương lai, số đầu tiên của chuỗi tọa đàm UniPrep – Sắp vào đại học do VnExpres phối hợp với Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức sẽ bàn về chủ đề “Các trường kinh tế dạy gì sau đại dịch?“.
Chương trình có sự tham gia của các khách mời là Phó giáo sư Ngô Viết Liêm – ĐH New South Wales, Sydney, Australia; Tổng biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal; Giáo sư Trương Nguyện Thành – Đại học Utah, Mỹ; Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, ĐH Western Sydney, Australia. Người điều phối xuyên suốt tọa đàm là Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM.
Tại tọa đàm, các chuyên gia sẽ cùng trò chuyện về việc các trường đại học khối ngành Kinh tế dạy gì trong bối cảnh Covid-19. Qua đó, chuyên gia đưa ra những nhận định về việc dạy và học khối ngành kinh tế sẽ cần chuẩn bị và thay đổi những gì để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây
Nguồn: VnExpress