Theo các chuyên gia, giới trẻ nên tự đánh giá năng lực bản thân, tham vấn thầy cô và tiếp cận thông tin đại chúng để có định hướng tốt cho ngành đã chọn.
Nhu cầu lao động tăng cao, chuyên ngành đào tạo bậc đại học cùng vị trí việc làm trong lĩnh vực marketing cũng ngày càng đa dạng. Trong bối cảnh đó, nhiều bạn trẻ gặp khó trong việc lựa chọn chuyên ngành và công việc sau khi ra trường bởi sợ bỏ lỡ hoặc không bắt kịp thị trường, bạn bè đồng trang lứa…
Theo đó, trong tập thứ 6 của chuỗi UniPrep với chủ đề “Đào tạo marketing – bối cảnh mới, xu hướng mới”, ông Tăng Gia Hải Lam – Phó tổng giám đốc YouNet Group, bà Lưu Thanh Huyền – Giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức L’Oréal Việt Nam và bà Lê Huỳnh Phương Thục – Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam đã đưa ra một số lời khuyên trong định hướng ngành nghề cho người trẻ.
Theo bà Lưu Thanh Huyền, không có công thức đúng tuyệt đối cho tất cả mọi người trong việc lựa chọn đi theo chiều dọc hay ngang, tức học chuyên ngành rộng hay hẹp trong marketing hay bất kỳ ngành nghề nào.
“Giống như người tiêu dùng, marketer cũng phức tạp và thay đổi liên tục, chỉ có chính bạn mới biết mình đi hướng nào tốt”, bà nói.
Tuy nhiên, ở góc nhìn xa hơn, để trở thành một marketer giỏi, người làm nghề cần có những “khối” năng lực nhất định và đặt từng “viên gạch” để lấp đầy khoảng trống đó. Dù đi hướng nào, người lao động cũng phải kiên trì đến cùng. Do đó, nữ diễn giả khuyên người trẻ không nên quá phân vân khi đứng trước nhiều ngã rẽ.
Vậy, để xác định nên đi dọc hay ngang trước, người trẻ cần xem bản thân thuộc tuýp người nào, có sở trường gì, phù hợp với đi ngách nhỏ hay có thể đa nhiệm, bao quát nhiều công việc đồng thời. “Trước khi quyết định, các bạn phải thực sự dành thời gian để hiểu bản thân trước. Đây là điểm khá thiếu ở các bạn trẻ hiện nay”, bà Thanh Huyền khẳng định.
Thông thường, khi trăn trở điều gì, mọi người hay bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin bên ngoài thay vì tự hỏi bản thân dành bao nhiêu thời gian để hiểu về chính mình muốn gì, giỏi việc gì… Do đó, nếu dành ra 10 tiếng để tìm hiểu thông tin bên ngoài, người trẻ cũng phải dành 8-10 tiếng để khám phá bản thân, trở nên tự tin hơn.
“Ai rồi cũng phải đến đích dù đi dọc hay ngang. Hãy trông theo đường dài, đừng nhìn ngắn”, bà nhấn mạnh.
Sau bước hiểu bản thân, các bạn trẻ cần tiếp tục đi tìm câu trả lời phù hợp cho mình thông qua ba nguồn hỗ trợ, gồm: người thầy, mạng xã hội – phương tiện truyền thông và chuyên gia, người đi trước. Theo ông Lam, vai trò của người thầy ở trường đại học trao kiến thức hệ thống, nền tảng. Những kinh nghiệm của bao nhiêu thế hệ đi trước đã được hệ thống thành lý thuyết. Tuy nhiên, để cập nhật lý thuyết hệ thống như vậy cần rất nhiều thời gian, vì vậy, vai trò của người thầy là giúp người trẻ không có bị đi lạc, thay vì cập nhật những xu hướng mới.
Môi trường có thể giúp người trẻ cập nhật những điều mới là mạng xã hội, các phương tiện truyền thông. Hệ thống này có thể là truyền thông tương tác, một chiều, hệ thống của dữ liệu, phân tích… Từ đó, người học có thể biết đâu là kiến thức mới, mô hình thế giới đang nói, đọc bài biết của CEO, CMO từ các tập đoàn lớn…. Nhờ đó, các bạn sẽ hiểu hơn về những xu hướng mới.
Tuy nhiên, để biết dùng kiến thức đó thế nào, khi nào, có ứng dụng tại Việt Nam được không, người trẻ cần có sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn như chuyên gia, người có kinh nghiệm để đối chứng lại, trao đổi thêm.
Trong đó, hội nhóm Facebook là một trong những kênh hữu ích để tiếp cận với những đối tượng này. Tại đây, các bạn trẻ cũng có thể có góc nhìn rộng hơn qua các ý kiến đa chiều của cộng đồng hoặc có thể xác thực, xin ý kiến của thầy cô.
“Tôi gọi đây là ‘đổ nền’ cho mình ngay từ khi còn đang đi học. Lúc đó, các bạn sẽ biết được về mặt rộng, marketing là làm gì, đi sâu trong từng mảng thì có gì. Bạn sẽ tự có câu trả lời của chính mình cho câu hỏi: tôi nên làm gì để chọn nghề”, Phó chủ tịch YouNet Group nói.
Ở khía cạnh khác, sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên tiếp nhận những cập nhật mới nhất trên thị trường song song lý thuyết nền tảng từ giảng viên. Ví dụ, công ty Buzzmetrics và Younet của ông Lam chủ động đến Đại học Kinh tế TP HCM để tương tác với sinh viên của khoa Marketing với các module như là digital marketing hay social listening.
“Doanh nghiệp cũng không ngại hợp tác với nhà trường bởi đây cũng là cách để đào tạo, chuẩn bị cho lực lượng lao động tương lai cho công ty”, ông khẳng định.
Diễn giả Lê Huỳnh Phương Thục khuyên các bạn trẻ vẫn nên học kiến thức căn bản, tổng quan của ngành bởi sự thay đổi của những giải pháp marketing thay đổi rất nhanh, thậm chí, bị thay thế chỉ trong khoảng 6 tháng. Do đó, khi có nền tảng, sinh viên khi ra trường có thể thích ứng với bất kỳ “nhánh” nào của marketing.
Theo VNExpress