VNE | Điều trường học không dạy người khởi nghiệp

Theo TS. Lý Quí Trung nhà trường không dạy “độc chiêu kinh doanh”, người trẻ phải tự học từ kinh nghiệm thực tế.

Trong tập cuối tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học”, TS. Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia) cho rằng, nhà trường có thể dạy sinh viên kỹ thuật kinh doanh, song để khởi nghiệp thành công, mỗi người cần có chiến lược của riêng mình. Ông gọi đây là “unconventional skills” – độc chiêu của một người doanh nhân biết bẻ lái, sửa điều nhiều người khác đã làm để tạo nên thứ của riêng mình.

Nhà trường không dạy “độc chiêu kinh doanh”, người trẻ phải tự học từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình khởi nghiệp

“Nếu làm một hành động, sản phẩm giống hàng nghìn doanh nhân khác, tức là chúng ta không có sự khác biệt – yếu tố quan trọng quyết định thành bại trong khởi nghiệp”, diễn giả nói.

TS. Lý Quí Trung - nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia). Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS. Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khởi sự với chuỗi Phở 24, TS. Trung tạo nên điều khác biệt với thị trường từ mô hình kinh doanh đến sản phẩm. Ông cho biết, sau hơn 10 năm rời khỏi thương hiệu, ông vẫn tâm đắc mô hình kinh doanh này.

Trước đó, ông từng dành một quãng thời gian dài để quan sát các cửa hàng McDonald’s tại Australia khi đi du học để học hỏi. Doanh nhân xác định, để xây dựng chuỗi nhà hàng đồ ăn Việt bành trướng khắp thế giới như vậy, ông cần chọn món ăn phù hợp với ngành công nghệ thức ăn nhanh. Theo đó, khi cơ hội chín muồi, ông và gia đình bắt đầu từ món ăn bình dân của Việt Nam – phở nhưng trình bày đẹp mắt, đặt trong nhà hàng sang trọng với tiêu chuẩn phục vụ chuyên nghiệp, bài bản.

Thứ hai, chiến lược về giá cũng là một trong những “độc chiêu” giúp ông tạo nên thành công của Phở 24. TS. Trung định giá một bát phở lúc đó cao gấp đôi thị trường chung.

“Khi đến Hà Nội, lúc khai trương cửa hàng đầu tiên ở phố Bà Triệu, tôi đi quanh nghe được người ta nói ‘có đi ăn quán phở mới không, 24.000 đồng đó’. Tức, giá thành khá đắt nhưng vẫn rất đông khách”, ông kể lại.

TS. Lý Quí Trung không định giá sản phẩm theo cách tính truyền thống là chi phí thức ăn dao động 30-35% trên giá thành bán ra. Với mô hình của Phở 24, nếu như vậy thì không đủ lợi nhuận, chi phí để thuê mặt bằng đắc địa, không gian sang trọng, nhân công hàng đầu.

“Độc chiêu” của ông là bán sản phẩm của mình khác hẳn với thị trường và định giá dựa trên mức chi trả của thực khách. Ví dụ, nếu ở Sheraton hay trung tâm các thành phố lớn, người tiêu dùng phải đi xe ra ngoài trung tâm, chi trả tiền đi lại để ăn một tô phở có giá 12.000 đồng. Như vậy, chi phí họ bỏ ra thậm chí còn cao hơn 24.000 đồng.

Nếu cửa hàng Phở 24 có mặt ngay trung tâm hay lan tỏa rộng khắp, khách có thể dùng món ngay, khi đó, tuy sản phẩm đắt so với thị trường và chi phí thực phẩm nhưng lại rẻ so với chi phí thực tế của người dùng.

Độc chiêu thứ ba của TS. Lý Quí Trung là áp dụng mô hình nhượng quyền kinh doanh ngay khi Việt Nam chưa có, dù đã phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, với hạn chế về kiến thức và luật, ông không thể áp dụng 100% công thức của các nước khác với thị trường. Nhà đồng sáng lập Phở 24 đã điều chỉnh, đầu tư ít nhất 30% cùng đối tác nhượng quyền của mình. Do đó, ông có quyền tự do trong đồng hành, kiểm soát mô hình kinh doanh.

“Một người chủ dù tạo ra mô hình kinh doanh mới hay đưa từ thế giới vào Việt Nam đều cần có dấu ấn cá nhân, điều chỉnh để phù hợp với thị trường, bối cảnh đương đại”, ông nói.

Ông Lý Quí Trung khuyên người trẻ tư duy linh hoạt để tự tạo ra độc chiêu kinh doanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Lý Quí Trung khuyên người trẻ tư duy linh hoạt để tự tạo ra “độc chiêu kinh doanh”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để tạo nên “độc chiêu” phù hợp với bản thân và doanh nghiệp, theo TS. Lý Quí Trung, trước tiên, người khởi nghiệp phải có kiến thức từ nhà trường, xã hội, sách báo… Sau đó, các bạn trẻ cần nâng cao tính sáng tạo, tư duy làm nên sự khác biệt. Không chỉ trong kinh doanh mà trong tất cả các lĩnh vực bản thân quan tâm, ông luôn tự đặt câu hỏi: mình có thể làm điều này theo cách khác đi như thế nào.

Ông khẳng định, kỹ năng có thể học hay quan sát được nhưng tư duy “think out of the box” (suy nghĩ ngoài khuôn mẫu) luôn là yếu tố giúp người khởi nghiệp dễ thành công nhưng cũng dễ thất bại. Tuy nhiên, những rủi ro này đều có tính toán nếu người kinh doanh có nền tảng kiến thức vững vàng.

“Người khởi nghiệp rất nhiều nhưng thành công lại rất ít. Do đó, mỗi khi có mô hình hay chiến lược kinh doanh muốn theo đuổi, các bạn trẻ luôn cần nghĩ khác biệt. Có thể các bạn sẽ thất bại nhưng nếu thành công, đó sẽ là thành công rất lớn”, ông nhận định.

Theo VNExpress