“Không trực tiếp đem về đồng bạc nào cho doanh số, lại còn “ngốn” không ít tiền vào hàng loạt dự án, dẫu vậy, hoạt động nhân sự vẫn ngày càng được coi trọng, trở thành yếu tố sống còn trong mỗi công ty đa quốc gia”
Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Tâm Trang – Giám đốc nhân sự toàn cầu Unilever International, kiêm giám đốc nhân sự Unilever châu Á – trong chuỗi chương trình MBA For Success mới đây của Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Theo bà Trang, chính hoạt động nhân sự tạo nên văn hóa của một công ty.
Cái giá của sự “bạo chi”
Hơn 20 năm làm việc trong ngành, bà Trang chia sẻ công việc của nhân sự đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi đội ngũ đảm nhiệm không đơn thuần dừng lại ở những kiến thức, kỹ năng cơ bản.
Nhiều người thường ví von, nhân sự là hoạt động “đốt tiền”, trái với mục đích cuối cùng trong kinh doanh là lợi nhuận. Tiền ở đây được đầu tư vào con người, nếu đúng cách, thì đây là đầu tư sinh lợi nhuận cao nhất để công ty có thể phát triển nhanh chóng, liên tục và bền vững. Phòng Nhân sự lúc này trở thành ‘nhà đầu tư’ hiệu quả đóng góp cho sự phát triển đó. Những đầu việc này không trực tiếp góp phần tăng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ như ở các phòng sale hay marketing,… Ngược lại, tiền chảy ra từ công ty “đổ” vào tuyển dụng, đào tạo, hay các dự án mà một số nhân viên có thể chất vấn rằng: để làm gì?
Tuy nhiên theo bà Trang, ở những công ty đa quốc gia, bộ phận nhân sự có “tiếng nói lớn”. Nhân sự theo đúng nghĩa đen là làm việc với con người. Các phòng ban trực tiếp đem lại thành tựu cho công ty sẽ thất bại nếu thiếu những lao động đủ năng lực. Bán hàng, tiêu thụ hàng, vận hành doanh nghiệp,… đều cần con người, chính là đối tượng làm việc của bộ phận nhân sự.
Nếu trước đây chỉ gói gọn vào tuyển dụng, đào tạo, thì giờ, nhiệm vụ mới đội ngũ nhân sự là kiến tạo môi trường bình yên, thoải mái để nhân viên cống hiến cho tổ chức. Họ “hiến kế” đưa ra những chiến lược giúp người lao động có thể phát huy tối đa sức lực. Hay gặp những biến sự, chẳng hạn như dịch Covid-19, bộ phận nhân sự cũng được kỳ vọng đưa ra những “đối sách” linh hoạt, giúp nhân viên vượt qua nỗi sợ hãi, an tâm làm việc.
“Bộ phận nhân sự ở các công ty đa quốc gia lo cho hàng chục nghìn con người, cũng giống như “chị hai” trong gia đình. Chính bộ phận này như tạo nên văn hóa cho công ty”, bà Trang kết luận lý do không ít doanh nghiệp ngày nay sẵn sàng “chi đậm” cho hoạt động này.
Theo đuổi sự nghiệp: Học, học và học
20 năm về trước, cô thiếu nữ Nguyễn Tâm Trang tốt nghiệp một trường ĐH ở Việt Nam, chuyên ngành kinh doanh. Cô trải qua nhiều chuyên môn như sale, admin trong hơn một năm trước khi chuyển hướng sang mảng nhân sự. “Đó là lúc tôi tự vấn thế mạnh là gì, đâu thật sự là chuyên môn của tôi?”, bà Trang nhớ lại.
Một lần trò chuyện với sếp, ông nhìn ra Tâm Trang có khiếu tương tác với con người, nên khuyên cô theo đuổi ngành nhân sự. Do chưa có trường đại học nào trong nước đào tạo sâu về ngành này, cô được công ty tạo điều kiện cho học khóa ngắn hạn 8 tháng về nhân sự.
7 năm sau, đến lúc cần “nâng cấp” bản thân theo hướng chuyên sâu, Tâm Trang sang Thái Lan học MBA tại ĐH Assumption. Đây là quyết định nhiều năm sau bà cho rằng cực kỳ sáng suốt. Chương trình được thiết kế chú trọng tự học và làm việc nhóm. Những bài học đều dựa trên những gì đã được triển khai ở nhiều công ty lớn để cho ra được “mẫu số chung”.
Mặt khác, các bạn học cùng đều đang làm việc cho nhiều công ty lớn. Họ đem kinh nghiệm của mình vào giải quyết các tình huống trực tiếp khi học, để có thể mở rộng góc nhìn đa chiều và sâu sắc trên các lĩnh vực từ sale, marketing, đến quản trị, tài chính,…
“Dù vậy, trường lớp chỉ dạy một phần, còn chuyện học “đeo đuổi” những người làm nhân sự không ngừng nghỉ. Học 360 độ từ nhiều người như sếp, bạn bè, thậm chí cả con cái, những người trẻ tuổi”, bà Trang gọi đó là quy tắc “cố vấn ngược”. Dành thời gian chia sẻ với các bạn trẻ, bà cũng sẽ nhận lại những bài học mới cho mình.
Càng tiến sâu trong công việc, chuyện học phải đi đôi với thực hành, áp dụng ngay lý thuyết vào thực tế. Dừng học một ngày cũng là cũ kỹ. Người trẻ cần liên tục thích ứng với cái mới phát sinh, chẳng hạn gần đây là cách thức làm việc qua mạng, giải quyết công việc từ xa.
“Các công ty đa quốc gia không dựa trên bằng cấp để tuyển dụng, mà dựa vào kiến thức, kinh nghiệm các bạn có, cũng như khả năng lĩnh hội các kiến thức mới”, bà Trang khuyên.
Cũng theo bà Trang, “Điều níu chân tôi tiếp tục đoạn đường dài như thế trong lĩnh vực nhân sự là nhìn thấy đội ngũ trong công ty vươn cao và vươn xa. Trong thành công của các bạn có sự đóng góp nhỏ của mình. Và công ty cũng đã phát triển nhờ vào phần góp sức nhỏ của bộ phận nhân sự”.
Có thể hiểu ứng viên tuyển dụng trong 1 phút?
Theo bà Trang, không nên lo lắng đánh mất thiện cảm với người phỏng vấn chỉ trong vòng 1 phút. Có những cuộc phỏng vấn bà phải thực hiện 30 phút. Với kinh nghiệm làm nhân sự hơn hai thập kỷ, bà khẳng định không thể phát hiện một nhân tài trong vòng 5 phút. Mỗi cuộc phỏng vấn đều cần thời gian đủ thời gian để hiểu một con người.
Khi phỏng vấn, nên là chính mình, nhưng cần… thực tập một xíu. Thực tập ở đây để có thể trả lời các câu hỏi lưu loát hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Ứng viên cũng nên biết người phỏng vấn là ai, công ty đang tuyển dụng có những đặc điểm gì. Bộ phận nhân sự luôn tìm hiểu rất kỹ bên cạnh CV trước khi ngồi trò chuyện với bạn. Họ luôn chuẩn bị thông tin về bạn thì không lý gì bạn bỏ qua công đoạn tìm hiểu về những người mình sẽ trao đổi.
MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được host bởi PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng UEH-ISB nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Đăng ký tham gia chuỗi hội thảo MBA For Success: https://mbafs.isb.edu.vn/
Nguồn: Vietnamnet