Nhiều trường đại học khối kinh tế mở thêm các chuyên ngành kinh tế mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Các chuyên gia từ các đại học trên thế giới nhận định, hậu Covid-19, thế giới bước vào giai đoạn “không chắc chắn”. Tức, con người không thể đoán trước, thị trường lao động thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh khốc liệt và có nhiều yếu tố công nghệ.Bối cảnh này đòi hỏi sinh viên ra trường cần có bộ kỹ năng nền tảng để nhanh chóng thích ứng với mọi sự chuyển biến của thị trường lao động. Trong đó, các chuyên gia đưa ra các kỹ năng cơ bản sau: sáng tạo, công nghệ, học tập suốt đời và trí tuệ cảm xúc.
Theo đó, các trường đại học nói chung, khối ngành kinh tế nói riêng, sẽ có những thay đổi cả về nội dung đào tạo và phương thức tuyển sinh để đáp ứng xu thế thị trường, trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết kể trên.Hiện có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong năm 2022. Các cách thức này khác nhau từ cách tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ cho đến chỉ tiêu…Đại học Kinh tế TP HCM áp dụng 6 phương thức tuyển sinh tương tự năm 2021. Trường mở thêm hai chương trình mới, gồm: Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Riêng phân hiệu Vĩnh Long, đơn vị bổ sung hai chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính.
Đại học Thương mại dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế). Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực.Một trường nằm trong top đầu khác – Đại học Ngoại thương cũng bắt đầu tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số trong năm 2022, bao gồm Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế.
Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025, dự kiến có Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện…Tuy có thêm nhiều ngành mới nhưng các trường đều có sự điều chỉnh về tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Nhiều trường đã giảm tỷ lệ tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống dưới 50%. Đại học Kinh tế quốc dân chỉ tuyển 10-15% trong số 6.100 chỉ tiêu bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp. Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay đối với hình thức xét tuyển này.Song song, các trường này đều có phương thức riêng cho các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-Level).
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), trường điều chỉnh tỷ lệ chi tiêu để tập trung vào yếu tố quốc tế hóa, tập trung vào học sinh giỏi, trong đó có các yếu tố năng lực và trình độ ngoại ngữ.Để học sinh có thêm thông tin về các đợt tuyển sinh cũng như có được lựa chọn ngành, trường phù hợp, chuỗi tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học” với chủ đề “Trò chuyện cùng hiệu trưởng các trường kinh tế top đầu” do VnExpress và Viện ISB tổ chức sẽ diễn ra vào 17/2 tới.Chương trình có sự tham gia của Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM. Điều phối chương trình là Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM.
Các diễn giả sẽ cùng bàn luận về những thay đổi cụ thể trong phương thức tuyển sinh của ba trường đại học khối ngành kinh tế, từ đó, đưa ra lời khuyên cho học sinh về kỹ năng, tâm lý trước khi bước vào ngưỡng của quan trọng.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.