TS. Lê Anh Tuấn gợi ý: Làm sao để có thể “nghỉ hưu” sớm?

Gần đây, khái niệm “nghỉ hưu tài chính” hay “tự do tài chính” được các bạn trẻ nhắc đến như một hướng phấn đấu cho mình. Dưới góc nhìn của chuyên gia đầu tư, liệu một kế hoạch “nghỉ hưu” sớm để “nhẹ gánh” tài chính vào những năm 40, thậm chí 30 tuổi, có khả thi hay không?

Đây là vấn đề được TS. Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) cùng PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, thảo luận sôi nổi trong chương trình MBA For Success mới đây.

MBA For Success do ISB tổ chức là hội thảo trực tuyến đem đến nhiều bài học kinh nghiệm từ lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

“Tích sản” hay… “tiêu sản”

Theo PGS.TS Trần Hà Minh Quân, “tự do tài chính” không hẳn là bạn hoàn toàn không làm việc. Bạn có thể vẫn đi làm nhưng tiền bạc không còn là bận tâm chính. Những nguồn thu nhập ngoài lương đã có thể đảm bảo cho cuộc sống của bạn.

Lê Anh Tuấn chia sẻ “nghỉ hưu tài chính” không phải là chuyện trên lý thuyết. Để đến đích, bạn cần một ý chí, nỗ lực rất lớn và mục tiêu xuyên suốt ngay từ đầu, tránh không bị lung lay, dẫn tới kế hoạch tài chính có nguy cơ “phá sản”. Bạn cũng cần giữ vững lập trường tập trung vào “tích sản” thay vì “tiêu sản”. Mua một chiếc Iphone mới, một chiếc xe mới,… là “tiêu sản” mà bạn trẻ dễ sa vào.

TS. Lê Anh Tuấn là chuyên gia về kinh tế và đầu tư ở thị trường Việt Nam

Cốt lõi là muốn “nghỉ hưu sớm” thì phải đầu tư càng sớm càng tốt. Cần nhớ “đầu tư” khác với “tiết kiệm”. Khoản tiền gửi tiết kiệm được lợi 4-5%/năm không hẳn là một kênh cho những bạn muốn mau chóng “tự do tài chính”.

Hình thức đầu tư có thể đi từ đơn giản đến phức tạp, nhưng cần cân bằng với công việc và lối sống của bạn. Không nên quá đắn đo: “Lỡ đâu thị trường đi xuống thì sao”. Thay vào đó, nên chọn những kênh đầu tư khôn ngoan và vừa sức với mình, rồi dần đa dạng hơn. Nếu không dám đầu tư, bạn không thể mơ đến một ngày “nghỉ hưu” sớm ở tuổi 30, 40.

Từ triệu đồng đến triệu đô

PGS.TS Trần Hà Minh Quân đã đặt ra bài toán đầu tư của một bạn trẻ có thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Câu trả lời theo Phó Tổng Giám đốc DCVFM là ngày nay với bất cứ số tiền nào, bạn đều có thể bắt đầu đầu tư.

Nếu thu nhập 8 triệu đồng và không đổi trong nhiều năm, thì chỉ cần trích ra 2 triệu/tháng cho đầu tư. Ngày nay có nhiều ứng dụng Fintech hợp pháp cho phép bạn tham gia các quỹ đầu tư mở chỉ với 100.000 đồng. Nếu giả sử bạn liên tục góp 2 triệu đồng vào quỹ đầu tư trong suốt 40 năm từ năm 25 tuổi, hiệu suất lợi nhuận 12%/năm thì số tiền bạn thu được năm 65 tuổi lên đến 1,1 triệu đô-la.

Tiến sĩ đồng quan điểm với dự báo trong vòng 20 năm tới, số người giàu từ chứng khoán tại Việt Nam sẽ không thua gì những người giàu từ nhà đất.

Đó là giả định tiền lương bạn không tăng sau ngần ấy năm và bạn chỉ có một kênh đầu tư duy nhất. Hay một đề bài khác được các chuyên gia đầu tư quốc tế thường chia sẻ là nếu chỉ dành ra 1.000 đô-la vào một quỹ đầu tư trong suốt qua 100 năm, hiệu suất đầu tư 10,5%/năm qua các đời, số tiền gốc ban đầu sẽ trở thành 23 triệu đô-la.

Sẽ có những tăng trưởng mà bạn không ngờ. Quan trọng là phải kiên định và duy trì liên tục. Nếu xác định trích 2 triệu/tháng cho đầu tư, bạn phải xoay sở sống với 6 triệu/tháng một cách linh hoạt và đầy quyết tâm để được “nghỉ hưu sớm”.

Ở một khía cạnh khác, dường như nhiều người cho rằng đầu tư chứng khoán là… khá rủi ro. Việc bỏ tiền vào bất động sản và được nhìn thấy miếng đất, căn nhà sẽ giúp họ an tâm hơn. Thực tế thì sao?

Theo tiến sĩ, điều này cũng như khi… tham gia giao thông. Người ta thường thấy an toàn khi điều khiển xe máy dù cho tỉ lệ tai nạn trên đường bộ rất cao. Ngược lại, khi đi máy bay người ta thường lo lắng mặc cho đây là phương tiện có số người tử vong hằng năm thấp nhất. Nguyên nhân là trên máy bay, người ta như “phó thác” hết cho người khác (đội bay), trong khi với xe máy, họ vẫn có thể “làm chủ”.

Tương tự vậy, một mảnh đất dù phải hạ giá nhiều lần hay không thể bán được trong nhiều năm vẫn mang lại cảm giác an toàn chỉ vì nó có thể… nhìn thấy được. Trái lại, diễn biến trên thị trường chứng khoán thay đổi hằng giờ, có thể giảm trong phiên đầu nhưng tăng mạnh trong phiên sau. Điều này làm không ít người “bất an” với số tiền mình bỏ ra.

Tuy nhiên, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư mới ở Việt Nam trong khoảng 15 năm nay. Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới đây, số người giàu từ chứng khoán  tại Việt Nam sẽ không thua gì những người giàu từ nhà đất.

T.N