Theo đuổi lĩnh vực nhân sự hơn 10 năm qua, hiện đang là Giám đốc Nhân sự ngân hàng Bản Việt (BVB), ông Nguyễn Thanh Hùng đã chia sẻ câu chuyện về quy trình xây dựng “văn hóa” KPI (Key Performance Indicator – Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) điển hình ở BVB trong buổi hội thảo MBA Talk.
Buổi hội thảo với Chủ đề: Ứng dụng OKRs và KPIs trong Doanh nghiệp tổ chức bởi Viện ISB, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự cùng nhau bàn luận, phân tích về các công cụ đánh giá hiệu suất phổ biến hiện nay.
Tài chính – Ngân hàng, đặc thù và chuyên biệt
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, thành lập từ năm 1992, với tên gọi Ngân hàng TMCP Gia Định, trong những năm gần đây Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank – BVB) đã có nhiều bứt phá vượt bậc.
Với chiến lược áp dụng lộ trình số hóa nhằm đơn giản hóa quy trình, mang đến tiện lợi, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, năm 2020, BVB đã tạo một điểm sáng khi trở thành ngân hàng tiên phong được nhà nước thí điểm mở tài khoản trực tuyến không cần đến ngân hàng.
Do đặc thù của ngành Tài chính – Ngân hàng, gắn liền với định hướng chiến lược, biến động nhanh trong từng giai đoạn kinh doanh, cấp quản lý phải có sự cập nhật, điều chỉnh KPI sao cho phù hợp. Riêng ở ngân hàng Bản Việt, KPI được chuyên biệt theo từng khối, phòng ban, trụ sở, đơn vị kinh doanh. Bên cạnh đó, quản trị rủi ro luôn là một trong những chỉ số hiệu suất cốt yếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Với đặc thù chuyên biệt kể trên, mô hình đánh giá hiệu suất của ngân hàng Bản Việt được chia thành 4 khu vực: tài chính, khách hàng, quy trình, con người và quản trị rủi ro. Tùy theo nhóm đánh giá: Front office (trực tiếp kinh doanh), Back office (hỗ trợ kinh doanh) hay Middle office (hỗ trợ gián tiếp kinh doanh), lãnh đạo sẽ hợp các khu vực này để xây dựng từng KPI đánh giá thực tế.
Theo đối tượng, BVB chia ra làm hai phần: KPI tập thể và KPI cá nhân. Phần tập thể sẽ đánh giá hiệu suất về các khối nghiệp vụ, các phòng ban chuyên môn giữa các khối và tiếp tục là các đơn vị kinh doanh toàn quốc (chi nhánh, phòng giao dịch). Về cá nhân, sẽ đánh giá theo từng cấp độ quản lý theo thứ tự: lãnh đạo quản lý cấp cao, quản lý cấp trung, chuyên viên/ nhân viên, mỗi cấp độ đều có KPI cụ thể.
Theo nhóm công việc thực hiện, KPI được phân thành 3 nhóm: Với các nhóm trực tiếp kinh doanh, các chỉ số tài chính sẽ chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt cao hơn với các đơn vị kinh doanh ở địa bàn thuận lợi; Với nhóm hỗ trợ kinh doanh, các chỉ số tài chính và phi tài chính tỷ trọng tương đương nhau; Cuối cùng, nhóm hỗ trợ gián tiếp kinh doanh, chỉ số về phi tài chính sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn.
KPI: minh bạch hóa để phát triển
Chia sẻ tại hội thảo MBA Talk xoay quanh ứng dụng KPI doanh nghiệp do UEH-ISB tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết, từ những năm 2018-2019, BVB bắt đầu triển khai hệ thống đánh giá KPI và vận hành chạy thử trong hơn một năm và đang thí điểm trả lương theo KPI từ quý ba năm 2021.
Để ứng dụng và phát triển thành công KPI BVB, ông Hùng chỉ ra bốn yếu tố nền tảng: “Thứ nhất, phải có quyết tâm và cam kết đồng hành của Ban Lãnh đạo trong quá trình xây dựng và vận hành KPI. Thứ hai là sự phối hợp thông suốt giữa các phòng ban chuyên môn trong suốt quá trình triển khai. Thứ ba là mối liên kết giữa các chỉ số đo lường hiệu suất với định hướng hoạt động trong từng thời kỳ. Cuối cùng, trước sự biến động liên tục của thị trường, các biện pháp đo lường, báo cáo phải được cập nhật, tìm giải pháp phù hợp để cải tiến liên tục.”
Ông Hùng cho biết, đầu tiên phải thành lập Ban dự án do CEO đứng đầu và sự tham gia của các lãnh đạo cùng toàn bộ ban tổng giám đốc. Sau đó, liên tục truyền thông nội bộ về dự án, đồng thời tổ chức đào tạo những nhân sự chủ chốt ở các phòng ban về KPI và xây dựng, vận hành hệ thống. Các workshop giữa phòng nhân sự và các phòng ban chuyên môn để kịp thời giải quyết các vấn đề gặp phải trong quá trình thực thi.
Ông Hùng lưu ý tính minh bạch khi ứng dụng KPI vào doanh nghiệp. “Ở Bản Việt, KPI là minh bạch và tất cả mọi nhân viên đều có thể theo dõi quá trình thực hiện KPI của bản thân và đơn vị chi nhánh mình. Từ đó, tự đánh giá được hiệu suất công việc và nỗ lực để thực hiện được KPI đề ra.”
Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ Kinh doanh liên kết giữa Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Western Sydney (Úc) – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm một chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.
Với phương pháp đào tạo qua tình huống thực tế, học từ trải nghiệm, chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành, học viên sẽ có được góc nhìn đa chiều về một vấn đề, cách dung hòa giữa lý thuyết và thực tế để đưa ra những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp.
Tìm hiểu thêm tại: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/