CEO PNJ Lê Trí Thông: MBA không chỉ là nền tảng, mà còn là… “Đạo”

Lê Trí Thông cùng em gái Lê Diệp Kiều Trang được giới trẻ Việt lứa 8x, 9x xem là hình mẫu của sự thành công đến từ nền tảng học thuật vững vàng. Ông Thông nổi tiếng thời sinh viên khi từng tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh rồi lại chuyển hướng sang kinh doanh sau các bước chuẩn bị bài bản bằng con đường MBA.

Ông Thông hiện là Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ.

Vì sao, MBA?

 Năm thứ hai ở đại Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Lê Trí Thông đã “ngồi” ghế nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô giảng viên ở khoa Hóa, điều mà rất ít sinh viên có thể làm được. Ra trường, ông nhận được một học bổng làm Tiến sĩ Công nghệ Hóa học ở Mỹ.

Nhưng, nhiều người đã thật sự ngỡ ngàng khi Thông bỏ luôn cái học bổng Tiến sĩ đáng mơ ước, để ứng tuyển vào chương trình MBA của Đại học Oxford danh giá.

 Trong một buổi trò chuyện cùng bạn trẻ mới đây do Viện ISB (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) tổ chức, ông Thông giải thích về lựa chọn này, đơn giản chỉ vì “máu kinh doanh” đã ngấm vào ông từ nhỏ.

“Nếu chỉ dừng lại ở chỗ kiếm tiền hay phát triển sự nghiệp, không chắc tôi đã được nhận học bổng của Oxford. Chính cái khao khát tìm kiếm tri thức, tìm kiếm lời giải về các bài toán quản trị đã giúp bài luận của tôi được Oxford cấp học bổng”, ông Thông chia sẻ.

Nhưng, vì sao? Bởi, hành trình của đời người, dù là tìm kiếm thêm kiến thức hay một sự bình an nào khác, cũng đều là hành trình đi tìm một câu trả lời, một đáp án nào đó? Vậy, câu hỏi nào đã chi phối người kỹ sư trẻ năm xưa để phải bỏ lại hết, và có vẻ như phải bắt đầu lại từ đầu?

ThS. Lê Trí Thông kể rằng: “Những ngày thơ ấu ấy, khi theo cha tôi đến công sở của cha làm việc, ngồi ở một góc và lắng nghe cha và các cô chú giải quyết những vấn đề kinh doanh, tiếp cận dần với kinh tế thị trường, trong tôi, đã dấy lên biết bao băn khoăn chưa có lời giải”.

Ông Thông chia sẻ thêm: “Tôi và em gái may mắn có được một vốn liếng ngoại ngữ căn bản tốt từ rất nhỏ. Do đó, hai anh em thỉnh thoảng đi làm phiên dịch cho cha và các cô chú khác, trong những cuộc thương thảo với đối tác nước ngoài. Chính cả ở đây, lại có thêm nhiều câu hỏi, nhiều bài toán về quản trị, về kinh doanh tiếp tục ám ảnh tôi”.

Chính vì vậy, giữa những học kỳ, hay mùa hè, chàng sinh viên Bách khoa Hóa lại lao vào đọc, như một cách tự học, từ đi tìm lời giải cho những bài toán còn ám ảnh anh, từ những cuốn sách, tài liệu, giáo trình về Kinh tế, tài chính, quản trị…

Và, cái ngã rẽ MBA đó đến, như một tất nhiên.

MBA không chỉ là nền tảng, mà còn là… “Đạo”

25 tuổi, với chỉ vỏn vẹn hai năm đi làm sau khi ra trường, ông Thông lúc ấy đúng là quá nhỏ bé so với những bạn học tại lớp MBA của ĐH Oxford, một “thánh đường” lẫy lừng về học thuật hàng đầu thế giới.

MBA không chỉ là nền tảng, mà còn là… “Đạo”
Ông Lê Trí Thông nhận học bổng MBA từ ĐH Oxford

“Dù là một sinh viên xuất sắc ở Việt Nam, nhưng suốt 1-2 tháng đầu tiên, lòng tự tin của tôi bị tổn thương khi không có bài tập nào được điểm A – Ông Thông kể – Khi đặt câu hỏi với giáo sư, tôi mới vỡ lẽ: Tôi đã làm bài tập như một hình thức “trả bài”, trong khi đó MBA mong đợi tôi phải làm bài với những gì thuộc về tôi, bằng cách đưa ra quan điểm học thuật và tiêu hóa thành của riêng mình thì mới có khả năng đạt điểm cao”.

Từ đó, một bầu trời khác đã mở ra, ít nhất là cách học, cách tiếp cận, buộc ông phải thay đổi.

Rất nhiều lần trong câu chuyện, ThS. Lê Trí Thông gọi MBA là “Đạo”. Ông khẳng định, MBA là chương trình cho học viên những kiến thức nền tảng và bộ khung tư duy chắc chắn để từ đó có thể gắn thêm, tùy biến với sự tiến hóa của tri thức.

“Cái “Đạo MBA” sẽ theo ta mãi trong cuộc đời. Nó giúp tôi luôn nhìn nhận, quan sát, nạp vào và tiêu hóa, phản biện lại chính những lý thuyết mà mình đã được học để hình thành nên một thế giới quan mới. Chính cái “Đạo” này giúp tôi có những bước thành công trong sự nghiệp sau này, giúp tôi tự khai phóng để có thể thấy những miền xác định mới”, ông Thông nhấn mạnh.

MBA với người “ngoại đạo”: Thế giới không thể chỉ có Không và Một

Đối với một người làm khoa học tự nhiên, khởi đầu cùng MBA sẽ có những hạn chế nhất định. Ông Lê Trí Thông nói rằng, một kỹ sư có thể tính toán chính xác quỹ đạo của tên lửa, biết nó mất bao nhiêu phần trăm giây để đi từ A đến B; biết một cái máy chạy bao nhiêu giờ sẽ gãy trục. Chính vì vậy, lúc ban đầu khi học MBA, anh kỹ sư nọ đã cảm thấy khó chịu bởi nó không có độ chính xác như những khoa học mà ông quen thuộc.

“Với người làm khoa học tự nhiên, quen với chân lý khoa học hoặc đúng hoặc sai, quen với tuy duy logic 0 và 1, sẽ phải tập làm quen dần với khoa học quản trị, khoa học hành vi, ở đó, chuyện đúng sai không còn là tuyệt đối nữa mà giữa 0 và 1 là những khoảng “không gian mờ” cần lấp đầy. Phải vượt qua nó mới có thể ngộ được cái đạo của MBA”, ông Thông nhấn mạnh.

Nhưng dĩ nhiên, một người đã chín muồi cùng với khoa học kỹ thuật hay công nghệ, sẽ là một lợi thế vô cùng to lớn khi học MBA. “Với nền tảng và tư duy khoa học kỹ thuật, về mặt số và logic, bạn chỉ cần một phần công lực là có thể giải quyết những bài toán khó khăn nhất của MBA” – Ông Thông giải thích.

“Thế giới thực tế muôn màu, mình không nhất thiết phải cố nhìn nó theo kiến thức khoa học của mình. Tôn trọng sự đa dạng màu sắc của thế giới, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp đó. Một người học MBA, hay một nhà quản lý giỏi phải tìm ra những điểm cố định trong cái biến đổi đó, rồi kết nối chúng để tìm ra đường đi từ điểm cố định này đến điểm cố định khác”, ông Thông kết luận như vậy.

Ông Thông cho rằng, một khi đã hiểu MBA là khoa học quản trị, là khoa học hành vi, việc phải chấp nhận tính tương đối của giá trị đúng/sai là một sự khai phóng tư duy, là sự “ngộ đạo” MBA.

MBA: Cuộc đầu tư lãi ròng

“Thực ra, tôi chỉ mất 12 tháng tập trung, nghĩa là thời gian để học MBA ở Oxford để “đầu tư”, nhưng “lợi nhuận” thì tôi lại nhận đều đặn trong suốt trong hành trình quản trị và kinh doanh sau này. Tôi vẫn tin rằng, trong rất nhiều cuộc đầu tư làm ăn, thì MBA là cuộc đầu tư “có lãi” tốt nhất của tôi!”, ông Thông nhận định.

Người ta có thể liệt kê ra hàng loạt chức danh lãnh đạo cấp cao trong doanh nghiệp của Lê Trí Thông sau MBA như Đông Á Bank, BCG (Boston Consulting Group), Prudential, đến PNJ… Ở PNJ, trong ba năm qua từ khi ông Thông về, PNJ đang tiến lên mạnh mẽ – vươn vai vào nhóm những công ty kinh doanh hiệu quả nhất trên sàn chứng khoán.

Nói về thành công của PNJ, ông Thông chia sẻ: “Đó là nghệ thuật kết hợp mô hình quản trị khoa học với những yếu tố cảm tính, kết hợp cả cái chính xác và không chính xác. Đây cũng là phần mình ngộ được trong quá trình học MBA và áp dụng nó mềm mại. Bởi nếu chúng ta áp dụng một cách công thức và khô cứng, sẽ là trở lực, thậm chí là phản lực”.

MBA: Ngay và luôn khi mình đã sẵn sàng!

Với những người trẻ đang đứng ở “ngã ba đường”, hoặc đang băn khoăn với câu hỏi có nên học và đâu là thời điểm thích hợp để học MBA, ông Thông chia sẻ: “Theo tôi, thời điểm chín muồi nhất để học MBA là khi bạn “cảm” được những vấn đề về quản trị. Chỉ có như thế, bạn mới có thể nhận ra vấn đề và đi tìm được lời giải hoặc có được cấu trúc để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp”.

“Bạn vẫn có thể đến với MBA từ sớm, khi đã cảm thấy mình đủ chín chắn. Nếu chúng ta đã có được sự trải nghiệm về quản trị, về quản lý và kinh doanh rồi, thì đi học sớm sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong giai đoạn sau MBA. Chỉ cần bạn biết quan sát và cảm nhận được vấn đề của doanh nghiệp một cách đa chiều là bạn đã có thể sẵn sàng cho việc học MBA – bắt đầu hành trình đi tìm các lời giải cho quản trị và kinh doanh”, ông Thông nói.

MBA For Success: Thảo luận cùng ThS. Nguyễn Phi Vân và TS. Phạm Anh Khôi
MBA For Success: Thảo luận cùng ThS. Nguyễn Phi Vân và TS. Phạm Anh Khôi

Live Webinar “MBA For Success” là chuỗi sự kiện trực tuyến nhằm cung cấp góc nhìn tổng quan, chia sẻ thực tế từ các Doanh nhân, CEO của các doanh nghiệp về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc.

Tiếp sau buổi trò chuyện của CEO PNJ Lê Trí Thông là sự góp mặt từ Diễn giả Nguyễn Phi Vân. Live Webinar “MBA For Success” số 3 nhằm đem lại nguồn cảm hứng, cách tư duy, hướng đi mới cho các bạn trẻ.

 Đăng ký tham dự tại: https://isb.edu.vn/mba-for-success-thao-luan-cung-ths-nguyen-phi-van/

Từ năm 2010, Đại học Western Sydney, Úc và Viện ISB ký kết hợp tác chia sẻ nguồn lực và chuyên môn của hai bên. Mục đích nhằm tích cực hỗ trợ các hoạt động trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và tham quan học tập giữa sinh viên Việt Nam và Australia.

Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ kinh doanh liên kết giữa Viện ISB và Đại học Western Sydney – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm 1 chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.

Tìm hiểu chi tiết chương trình: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/