Dù hiện nay đang là Tiến sĩ, Giáo sư danh dự và là Cố vấn cao cấp Hiệu trưởng ĐH Western Sydney về phát triển thương hiệu tại Việt Nam và Đông Nam Á, nhưng TS. Lý Quí Trung luôn khẳng định, chính MBA mới là nền móng cho sự thành công của sự nghiệp cá nhân.
Hành trình chinh phục tấm bằng MBA
Ông Trung được biết đến như là một doanh nhân có những bước đi táo bạo mang tính khai phá ở Việt Nam như start-up Phở 24: Lần đầu tiên đưa phở vào nhà hàng sang trọng với một chuỗi cửa hàng trên khắp thế giới; Và sau đó là thương vụ đình đám: Nhượng quyền thương hiệu Phở 24.
Người ta cũng biết về ông như một doanh nhân hiếm hoi thời điểm ấy được đào tạo bài bản với kiến thức hàn lâm về quản trị, kinh doanh tầm vóc quốc tế.
Mọi thứ, thoạt trông có vẻ là xuôi chèo mát mái, khi sinh trưởng trong một gia đình bề thế: Bố ông, một chính khách đối lập của chế độ cũ, từng giữ chức Bộ trưởng, từng là nhà báo nổi tiếng. Mẹ là một doanh nhân thành đạt.
Nhưng, ông Trung lại tiết lộ rằng, tuổi trẻ ham chơi khiến ông trượt khoa Ngoại ngữ ĐH Tổng hợp (ĐH KHXH&NV bây giờ). “24 tuổi tôi mới vào được đại học. Nhưng, hóa ra, đó lại cũng là một lợi thế, bởi cùng độ tuổi, khi bạn bè bung sức học từ sớm và bắt đầu ngán chuyện học thì tôi cứ thế phom phom lao vào cuộc tìm kiếm tri thức đầy sung sức”, ông Trung kể.
Những năm 90s của thế kỷ trước, nói đến du học, người ta nghĩ ngay đến Liên Xô, Tiệp Khắc và những nước Đông Âu trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa. Nhưng, khao khát của ông Trung vẫn là được “gõ cửa” hệ thống tri thức của phương Tây, nơi mà nền kinh tế thị trường đã định hình và phát triển từ lâu.
Ông Trung chia sẻ: “Rớt đại học, tôi phải làm phục vụ ở một khách sạn. May mắn là, tôi được làm quen với một cựu chiến binh Úc tại chiến trường Việt Nam lưu trú ở đây. Người cựu chiến binh quay lại thăm chiến trường xưa và nặng nợ muốn làm một điều gì đó để bù đắp. Ông đã khuyến khích và giúp tôi sang Úc du học với lời khuyên: Học xong hãy trở về để làm một điều gì đó!”.
Năm 1990, ông Trung đi du học, với 200 USD trong túi. Nhưng, bằng mọi cách, ông quyết lấy bằng được tấm bằng Cử nhân về Quản lý nhà hàng khách sạn tại ĐH Western Sydney. Khi người yêu thúc giục về nước để tính chuyện hôn nhân, chàng trai 27 tuổi đã thuyết phục nàng hãy ráng đợi thêm một thời gian nữa.
Ông Trung nói: “Tôi nghĩ, chỉ chừng dăm bảy năm nữa, một tấm bằng Cử nhân quốc tế sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh khi mà đất nước đang bừng bừng mở cửa. Sang được Úc là quá khó lúc ấy, cần phải tận dụng tối đa để học, đó là cách tạo ưu thế cho mình. Tôi ghi danh tiếp tục học lên MBA!”.
Vậy là, nàng đành phải chờ chàng thêm 18 tháng nữa. Ông Trung, từ… bachelor đã nâng cấp tri thức mình lên MBA. Và, cánh cửa sự nghiệp bắt đầu mở ra.
MBA – nền móng cho sự thành công
Ngay khi về nước, ông được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc của Tecaworld, một liên doanh danh giá về thực phẩm. Thật khó hình dung những năm tháng đó, một anh chàng 29 tuổi lại được tin cậy đề bạt vào vị trí như thế. “Tất cả đều từ tấm bằng MBA – ông Trung chia sẻ – Tôi nghĩ, với nhà tuyển dụng, khi nhận tấm bằng MBA, là họ nhận một niềm tin rằng, đây là người có thái độ tích cực về giáo dục, có hoài bão, có kỷ luật, dám làm và biết cách quản trị thời gian”.
Liên tục sau đó, TS Trung được bổ nhiệm những vị trí điều hành hoặc lãnh đạo cao cấp của những doanh nghiệp lớn: Tổng Giám đốc Khách sạn Saigon Star; Tổng giám đốc của tập đoàn nội thất cao cấp sở hữu thương hiệu Nhà Xinh và nhiều thương hiệu quốc tế khác như Boconcept, Calligaris, Savio Fermino, Baxter, Ligne Roset, Arclinea, Ceccotti, Bellavita…
Có lẽ, start-up và sau đó là thương vụ nhượng quyền Phở 24 của ông Trung rồi sẽ đi vào giáo khoa của lịch sử kinh doanh Việt Nam bởi tính tiên phong và hiệu quả của nó. “Chính tri thức từ MBA đã giúp tôi thành công cùng Phở 24”, TS Trung nhấn mạnh.
Khi thực hiện chuỗi cửa hàng Phở 24, với tư cách là nhà sáng lập, điều hành và cũng là CEO, không có một mô hình tương tự nào có sẵn tại Việt Nam để học theo. Tất cả, đều từ giáo trình và tài liệu mua từ nước ngoài.
“Nếu không có MBA, chắc chắn tôi sẽ không hiểu hết những khái niệm, thuật ngữ hàn lâm từ đó để có thể thuyết phục cổ đông, thuyết phục khách hàng. Khi nhượng quyền Phở 24, để định giá nó, tôi lại phải đặt mua từ Anh quốc một tài liệu về định giá thương hiệu. Lần nữa, lại chính những kiến thức từ MBA đã giúp tôi thấu triệt hết nội dung của tài liệu để hiểu và lượng định chính xác giá trị của thương hiệu Phở 24”, ông Trung chia sẻ thêm!
Không chỉ tuyền là giá trị học thuật, TS Lý Quí Trung khẳng định rằng, MBA đã làm thay đổi lối sống, cách hành xử, ứng xử của mình. Ông khẳng định: “Nó giúp mình tốt hẳn lên, khoa học hơn. Viết một status trên mạng xã hội, nói về một cuốn sách vừa đọc, trình bày một vấn đề trước công chúng, tôi luôn tìm kiếm thêm thông tin, tìm hiểu thêm dư luận đang nghĩ gì, nói gì về vấn đề đó. Đó là sự cẩn trọng, là thái độ nghiêm túc, khoa học với thông tin sẽ truyền đạt”.
Về một lời khuyên cho người trẻ có khao khát tìm kiếm tri thức, TS Lý Quí Trung nói rằng, cần một sự từng trải tương đối trước khi học MBA để bảo đảm kiến thức học được sẽ được soi rọi lại bằng chính kinh nghiệm, và, hãy học MBA ngay khi có thể, đừng chần chừ, đừng để đến ngày mai. Bởi theo ông “bỏ một cục tiền cho MBA”, nhưng “xài cả đời không bao giờ hết, là quá lời”!
Từ năm 2010, Đại học Western Sydney, Úc và Viện ISB ký kết hợp tác chia sẻ nguồn lực và chuyên môn của hai bên. Mục đích nhằm tích cực hỗ trợ các hoạt động trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và tham quan học tập giữa sinh viên Việt Nam và Australia.
Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ kinh doanh liên kết giữa Viện ISB và Đại học Western Sydney – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm 1 chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.
Tìm hiểu chi tiết chương trình: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/