VNExpress | Lưu ý khi du học New Zealand trong bình thường mới

New Zealand sẽ mở cửa đón người mang quốc tịch nước ngoài theo từng giai đoạn từ ngày 30/4, triển khai và duy trì nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế.

Tại tọa đàm “Cơ hội cho du học sinh Việt tại Australia, Canada, New Zealand thời Covid-19”, bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ), cho biết kế hoạch mở cửa của chính phủ nước này có áp dụng cho du học sinh.

Theo bà, trong hai năm bùng phát Covid-19, tỷ lệ học sinh Việt Nam du học có phần sụt giảm nhưng dự định của các bạn hầu như không thay đổi. “Một số khảo sát cho thấy, thị trường du học vẫn rất sôi động. Các bạn luôn trong tâm thế sẵn sàng và rất quan tâm đến thông báo mở biên để bắt đầu lộ trình du học của mình”, bà Vân khẳng định.

Theo đó, New Zealand vẫn duy trì nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên quốc tế về tài chính, học thuật, sức khỏe và tinh thần.

Chính phủ hỗ trợ du học sinh

Tại New Zealand, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho các học sinh quốc tế về mặt tài chính, đời sống đặc biệt là về sức khỏe. Tỷ lệ tiêm ngừa tại New Zealand khá cao. Do đó, du học sinh có thể đặt niềm tin vào mức độ an toàn và chế độ chăm sóc sức khỏe khi đến với đất nước này.

Đồng thời, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) phối hợp với các đơn vị giáo dục, cộng đồng du học sinh quốc tế, để làm sao tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ cho du học sinh theo ba tầng khác nhau. Sinh viên không chỉ được nhận hỗ trợ ở trong trường, ở tại nơi ở, khu vực sinh sống, mà còn có sự giúp đỡ, quan tâm ở bậc cao hơn là từ Chính phủ.

“Như vậy, du học sinh sẽ được hỗ trợ không chỉ nhu cầu ăn, mặc, ở, học tập hằng ngày, mà còn được chăm sóc đời sống tâm lý, tình cảm”, Giám đốc Thị trường Việt Nam ENZ nói thêm.

Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (áo trắng). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (áo trắng). Ảnh: Nhân vật cung cấp

ENZ có thiết lập một cổng thông tin để cung cấp nội dung theo góc nhìn của lứa tuổi du học sinh tại New Zealand. Đồng thời, tổ chức này cũng tạo ra một cộng đồng học sinh quốc tế gọi là “peer support”, tức những bạn đồng trang lứa ở trong cùng một hoàn cảnh du học sẽ có những cảm xúc tương tự, hỗ trợ lẫn nhau sâu sát hơn.

Về vấn đề làm thêm, bên cạnh các chính sách về giờ làm như các nước khác, New Zealand còn có quy định về mức lương tối thiểu để giúp du học sinh làm việc tại đây có thể đảm bảo quyền lợi của mình. Hiện nay, mức lương tối thiểu là 21,2 NZD một giờ từ ngày 1/4 tới.

Song song, nước này tiếp tục giữ kế hoạch cho phép du học sinh quốc tế sau khi hoàn tất các bậc học từ cử nhân trở lên có thể ở lại New Zealand làm việc ba năm.

Bên cạnh đó, bà Ngọc Vân cho hay các trường đã cung cấp rất nhiều chính sách hỗ trợ riêng, từ việc đi lại đến giấy tờ, hỗ trợ quá trình xin visa quay trở lại New Zealand. Hơn hết, trong giai đoạn chuyển giao sang bình thường mới, các đơn vị đào tạo đã tạo tiền đề để du học sinh quốc tế từ Việt Nam qua New Zealand thông qua chương trình du học toàn phần hay chuyển tiếp từ Việt Nam.

Bà chia sẻ thêm, trong bối cảnh Covid-19, các trường đang tiến hành chương trình học online cũng đưa ra những hỗ trợ đột phá mà trước đây ENZ không nghĩ đến họ có thể làm. Ví dụ, trường Đại học Auckland đã đưa ra một trung tâm học tập tại TP HCM (Vietnam Study Hub). Tại đây, họ hỗ trợ học sinh Việt Nam về mặt học thuật, hướng nghiệp và thậm chí là thực tập trên nền tảng ảo.

“Đó là những gì chúng ta không hình dung được trước Covid-19. Nhưng với động lực bất đắc dĩ ngay trong đại dịch, các trường đã phối hợp với Chính phủ để đưa ra những hỗ trợ mang tính chất đột phá này”, bà khẳng định.

Chương trình học linh hoạt

Theo bà Ngọc Vân, Covid-19 gây xáo trộn rất nhiều đối với ngành giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành có thể nhìn lại và cân nhắc thay đổi linh hoạt, làm sao đáp ứng sự biến chuyển nhanh chóng trong tương lai.

“Những giải pháp đưa vào ứng dụng trong giai đoạn bùng Covid-19 không dừng lại khi dịch kết thúc mà sẽ tiếp tục và trở thành xu hướng trong tương lai”, bà nhận định.

Giáo dục New Zealand có hai sự thay đổi chính. Thứ nhất, ở góc độ các trường, xu hướng online, quốc tế hóa trong giáo dục, càng ngày càng tạo điều kiện để các trường ở New Zealand nói riêng, cũng như ở nước ngoài nói chung kết nối sâu sắc hơn đối với các đơn vị ở Việt Nam và đưa ra lộ trình học tập linh hoạt.

Như vậy, thay vì trước đây chỉ đơn thuần nghĩ du học là qua nước ngoài học tập, hiện nay, học sinh, sinh viên Việt Nam có những lựa chọn khác hơn. “Chỉ trong một năm vừa rồi, số lượng các chương trình chuyển tiếp du học, du học tại chỗ 100% tại Việt Nam, hỗ trợ cho học sinh Việt Nam học online đi kèm với học bổng chưa bao giờ nhiều như vậy”, bà nói thêm.

Thậm chí, ngay cả đối với người đi làm, nếu quan tâm đến thạc sĩ hoặc các học cao hơn, New Zealand cũng có những lộ trình học, khóa học ngắn hạn nhưng hoàn toàn có thể tích lũy tín chỉ để học lên thạc sĩ.

Học sinh Việt Nam có thể chọn chương trình du học New Zealand linh hoạt. Ảnh: ENZ
Học sinh Việt Nam có thể chọn chương trình du học New Zealand linh hoạt. Ảnh: ENZ

Ở góc độ phụ huynh hay học sinh, Covid-19 cũng tạo ra cơ hội để cân nhắc lại về việc du học – “study abroad”. Theo đó, người muốn du học cần xác định nhu cầu rõ hơn, đặt câu hỏi bản thân muốn “study”, tức quan tâm đến giá trị học thuật, bằng cấp hơn; hay muốn “abroad”, tức kỳ vọng trải nghiệm môi trường học tập, văn hóa quốc tế… tại nước ngoài hơn.

Dựa vào đó, học sinh sẽ có lộ trình khác nhau. Theo bà, nếu như yếu tố “study” quan trọng hơn, các bạn cần tận dụng lộ trình chuyển tiếp du học với lợi thế về chi phí và cự ly, có thể bắt đầu thiết lập mạng lưới chuyên môn ngay khi vừa bước vào giảng đường đại học.

Ngược lại, nếu ưu tiên trải nghiệm quốc tế, cơ hội làm việc ở nước ngoài, hội nhập hay xây dựng các kỹ năng liên văn hóa, học sinh có thể cân nhắc học một kỳ ở nước ngoài thay vì cả một hành trình dài 3-4 năm; tham gia các chương trình liên kết hoặc du học hoàn toàn.

Ngoài ra, trong bối cảnh bất định của Covid-19, bà Ngọc Vân nhấn mạnh, mọi quyết định của thời điểm hiện tại có thể không còn đúng trong tương lai, nhất là khi các bạn mất 3-4 năm học tập. Do đó, để du học thành công, học sinh cần có bản lĩnh du học, sẵn sàng “bật nảy lại” khi gặp những điều không như ý, đồng thời, tìm hiểu thông tin kỹ hơn để giảm thiểu rủi ro khi chọn lựa, hoạch định lộ trình tương lai.

Thứ hai, bà khuyên du học sinh không nên “diễn quá tròn vai” khi du học. “Hãy thử những điều bạn chưa bao giờ làm. Bạn có thể ngại khi ở môi trường quen thuộc, nhưng ở nước ngoài, bạn cũng như bất kỳ du học sinh nào khác, rất mới trong môi trường mới. Đừng ngại thử thách”, bà nói thêm.

“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP.HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.

 

10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.

 

Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.