Lần đầu tiên hiệu trưởng 3 trường kinh tế top đầu Việt Nam thảo luận về cách học và kế hoạch tuyển sinh tại tọa đàm Uniprep số thứ hai trên VnExpress, ngày 17/2.
Ba khách mời là Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM (UEH); Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP HCM. Điều phối chương trình là Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM.
Dưới tác động của Covid-19 cùng với sự phát triển của công nghệ số, các trường đại học tại Việt Nam đã có những tính toán và thay đổi trong phương thức đào tạo nói chung và phương thức tuyển sinh nói riêng, hướng tới mục tiêu giáo dục chủ động, toàn diện, giúp sinh viên có thể tự tin thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 đang đến gần, nhiều phương án tuyển sinh đã được các trường đại học công bố. Bối cảnh này, tập hai của chuỗi tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học” diễn ra ngày 17/2 sẽ là buổi trò chuyện cùng hiệu trưởng các trường kinh tế top đầu. Tại đây, các diễn giả sẽ cùng bàn luận về những thay đổi cụ thể trong phương thức tuyển sinh của ba trường đại học khối ngành kinh tế, từ đó giúp sinh viên chuẩn bị tinh thần và kiến thức để bước vào mùa tuyển sinh mới, cũng như sẵn sàng cho mọi biến động trong bối cảnh hiện nay.
Phần đầu tọa đàm, các diễn giả sẽ thảo luận nội dung “Các trường có sự chuẩn bị gì để đào tạo năng lực cho sinh viên”, cụ thể là năng lực sáng tạo, năng lực nghề nghiệp và năng lực công nghệ. Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành sẽ nói về năng lực sáng tạo – một kỹ năng quan trọng nhưng để có những phương pháp đào tạo hợp lý thì lại là một bài toán khó. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng sẽ chia sẻ giải pháp mà trường ĐH Kinh tế TP HCM đang áp dụng để kích thích các năng lực sáng tạo của sinh viên.
Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhiều năm làm Trưởng khoa Tài chính công (2007-2016). Trước khi có quyết định làm Hiệu trưởng UEH, nhiệm kỳ 2020 – 2025, GS.TS Sử Đình Thành là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á của Trường Đại học Kinh tế TP HCM (JABES).
Ông được đánh giá có nhiều đóng góp cho sự phát triển nhà trường, đặc biệt là thúc đẩy công bố quốc tế, đóng góp tri thức toàn cầu. Dưới sự dẫn dắt của ông Thành, tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (JABES) trở thành một trong những tạp chí về khoa học quản trị, kinh tế có uy tín tại Việt Nam và được công bố quốc tế bởi nhà xuất bản Emerald.
Cũng ở phần đầu, đề cập đến năng lực nghề nghiệp, loại năng lực được cho là có tác động trực tiếp đến công việc của các bạn sinh viên trong tương lai, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng tiết lộ cách nhà trường đang triển khai để đào tạo sinh viên có sự chuẩn bị nhằm đáp ứng những yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, năng lực công nghệ cũng là một nội dung đào tạo quan trọng. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương sẽ chia sẻ các trường đại học nói chung và ĐH Kinh tế Quốc dân nói riêng nên chuẩn bị gì và làm gì để nâng cao năng lực công nghệ cho sinh viên.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương từng học Bậc cử nhân Kinh tế học tại Đại học Tổng hợp Essex, Anh quốc (năm 1994); Kinh tế Vận tải, Đại học Đường sắt Matxcơva, Liên bang Nga (1986) và Học viên sau đại học, Đại học Tổng hợp Essex. Sau đó, ông học Bậc tiến sĩ Kinh tế học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (2003). Ông Chương được phong hàm phó giáo sư kinh tế năm 2007.
Ông có 32 năm gắn bó với Đại học Kinh tế quốc dân. Trong quá trình công tác, ông Chương từng là giảng viên, khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; giữ chức Phó trưởng phòng, phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế; Trưởng phòng, phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Giai đoạn 2013-2018, ông giữ chức Phó hiệu trưởng của trường. Năm 2019, ông được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng.
Tọa đàm cũng bàn thảo sâu hơn về những thay đổi trong phương thức tuyển sinh và sự ra đời của các chuyên ngành mới tại các trường đại học, nhất là một số trường kinh tế top đầu tại Việt Nam. Tại phần này, thầy Sử Đình Thành sẽ nêu lý do có những thay đổi đó và đánh giá các thay đổi này sẽ mang lại thách thức và cơ hội cho học sinh. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương chia sẻ kế hoạch mở thêm chuyên ngành mới của ĐH Kinh tế Quốc dân để thích ứng với những thay đổi hậu Covid.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng nhắn nhủ học sinh chuẩn bị những bước cần thiết để phù hợp với sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh của trường ĐH Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng từng học Bậc Tiến sĩ Kinh tế học Trường Đại học Quốc gia Rostov (Liên bang Nga) năm 1990 – 1994. Trước khi trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế luật, Đại học quốc gia TP HCM năm 2011, ông là Phó hiệu trưởng của trường.
Tại toạ đàm, các diễn giả cũng sẽ đưa ra đánh giá về thị trường lao động trong thời gian tới, sinh viên sẽ đối mặt với những cơ hội và thách thức nào, từ đó đưa ra lời khuyên cho các sinh viên để có lợi thế trong thị trường lao động đầy biến động hiện nay.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây
Theo VNExpress