VNExpress | Gen Z làm gì để tránh “đi lạc” trước ngưỡng cửa đại học

Theo chuyên gia, Gen Z (sinh năm 1997-2012) nên xác định rõ ràng nhu cầu, lợi thế bản thân thử sức trải nghiệm để tránh các rủi ro khi định hướng nghề nghiệp.

Tại tọa đàm số 4 “Gen Z – Những hoang mang trước ngưỡng cửa đại học”, TS. Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain, cho biết gen Z hưởng điều kiện vật chất tốt hơn các thế hệ trước, do đó, có thể chia thành ba nhóm.

Đầu tiên là các bạn có giấc mơ lớn, biết tận dụng những gì mình có để nghĩ đến những việc to lớn như thay đổi xã hội, thế giới. Nhóm thứ hai là các bạn hoàn toàn trống rỗng, quá đầy đủ nên không biết bản thân muốn gì. Cuối cùng là đối tượng “làng nhàng”, vô định, mỗi thứ có một chút, học tập không tệ, kỹ năng tạm được. Đây cũng là nhóm đông nhất.

Theo TS. Phi Yến, mỗi nhóm sẽ có giải pháp riêng để từ đó, định hướng bước tiếp theo đúng đắn hơn.

Độc giả xem chương trình tại đây.

Thấu hiểu bản thân

Ông Nguyễn Hữu Trí, CEO Trung tâm huấn luyện kỹ năng AYP, đồng quan điểm việc “học đại” sẽ mang lại hậu quả về mọi khía cạnh. Sau cùng, người trẻ không thể cảm thấy trọn vẹn, hạnh phúc.

Diễn giả cho biết, không chỉ tốn thời gian, tiền bạc, việc học không đúng mong muốn, nhu cầu từ bên trong sẽ khiến cuộc đời trở nên “thiếu muối” với những trải nghiệm nhạt nhẽo. Khi đó, các bạn trẻ có thể bị cuốn theo con dao hai lưỡi – mạng xã hội.

“Đó là nơi các bạn thể hiện cái tôi, xây dựng sức ảnh hưởng nhưng cũng có thể là khán giả, khiến các bạn dễ bị cuốn đi, mất phương hướng”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông đánh giá việc coi nhẹ thời gian, cảm xúc và quan điểm của bản thân cũng là một điều rất đáng tiếc. Nguyên nhân có thể đến từ văn hóa gia đình, phương pháp giáo dục của nhà trường, không để ý tới quan điểm, cá tính và cảm xúc của người trẻ. Dẫn tới, các bạn thả trôi cảm xúc.

Ông Nguyễn Hữu Trí, CEO Trung tâm huấn luyện kỹ năng AYP. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Hữu Trí, CEO Trung tâm huấn luyện kỹ năng AYP. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để thấu hiểu bản thân hơn, học sinh cần sự đồng hành từ gia đình, trường học. Ba tháng trước đó, TS. Phi Yến đã làm khảo sát về tâm lý và nỗi hoang mang của các bạn giai đoạn này. Kết quả cho thấy thấy 80% học sinh không biết sẽ học trường, ngành gì. Đồng thời, học sinh gặp áp lực về điểm số, cảm thấy thua kém, tự ti.

Cuối cùng, thông tin mạng xã hội nhiều quá khiến các bạn không biết điều gì đúng, sai. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, học sinh đang thiếu kỹ năng và phân tích sử dụng thông tin mạng để tìm câu trả lời cho mình.

Lúc này, phụ huynh là người đóng vai trò thúc đẩy con lắng nghe bản thân và thực hiện điều mình muốn. Từ đó, học sinh có thêm trải nghiệm, xác định bản thân phù hợp với điều gì, muốn phát triển trong lĩnh vực nào trong tương lai.

Ông Nguyễn Hữu Trí, TS. Nguyễn Trần Phi Yến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB - người dẫn dắt chương trình (từ phải sang) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Chụp màn hình
Ông Nguyễn Hữu Trí, TS. Nguyễn Trần Phi Yến và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện ISB – người dẫn dắt chương trình (từ phải sang) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Chụp màn hình

Thích nghi, chủ động trước sự thay đổi

Trước sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động do yếu tố công nghệ, bên cạnh việc thấu hiểu bản thân, Gen Z còn cần trau dồi khả năng thích nghi, chủ động. “Với sự phát triển nhanh của công nghệ, năng lực học chủ động rất quan trọng, nó có thể biến thành khả năng sinh tồn. Chúng ta đã học được điều này từ đại dịch”, ông Trí khẳng định.

TS. Phi Yến cũng nhận định công nghệ gần như đe dọa cuộc sống. Gen Z còn có tên khác là Internet Z, sinh ra đã gắn liền với Internet.

Nữ diễn giả cho biết thêm, sắp tới có một ứng dụng AI với đầy đủ dữ liệu cho học sinh. Tại đó, ứng viên có thể cập nhật điểm, kết quả trắc nghiệm tính cách, gen sinh trắc học… Khi có thông tin đầy đủ, phần mềm sẽ đưa ra trường phù hợp với các bạn.

TS. Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS. Nguyễn Trần Phi Yến, giảng viên Đại học RMIT, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn công nghệ Beowulf Blockchain. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xuất hiện cuối chương trình, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam bổ sung, với bối cảnh thế giới hiện nay, mỗi người đều phải sống linh hoạt giữa những hoạt động liên quan đến online và offline. Phụ huynh và học sinh phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt với những tình huống không theo dự định, ví dụ như việc thi trực tiếp và trực tuyến thay đổi liên tục.

Theo đó, Gen Z cần phải hiểu rõ bối cảnh và điều kiện của bản thân, xã hội. Hiện, các ngành nghề đều mang tính chất công nghệ nhiều hơn. Từ năm 2020, Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data)… dần trở thành xu thế tiềm năng. Do đó, Gen Z cần đưa ra lựa chọn xu hướng nghề để phù hợp, để có thể làm chủ tình thế.

Các bạn có thể cân nhắc lĩnh vực phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin, máy học, chăm sóc sức khỏe, y tế cộng đồng… “Đây là những lĩnh vực trọng yếu trong tương lai”, bà nói. “Các bạn trẻ cần chuẩn bị bộ kỹ năng cần thiết như giao tiếp, sáng tạo, làm việc nhóm, thích ứng linh hoạt…”.

Gen Z làm gì để tránh đi lạc trước ngưỡng cửa đại học – 3

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài ra, các diễn giả đều khuyên học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa đại học không nên tạo áp lực quá lớn. Các bạn không nên đặt trọn mong đợi vào đại học. Thay vào đó, một góc nhìn cởi mở sẽ giúp người trẻ dễ dàng vượt qua kết quả không như kỳ vọng. Thực tế, mỗi người đều nên học tập suốt đời để thích ứng với sự thay đổi của xã hội hiện đại.

“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.

 

10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.

 

Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.