Tham gia hội thảo MBA For Success do ISB tổ chức, nữ doanh nhân Lê Thị Mai Linh, Giám đốc Ngành hàng cao cấp L’Oreal Việt Nam, đã mang đến nhiều chia sẻ thú vị và hữu ích, bao gồm cả góc nhìn về “nhảy việc”. Bạn trẻ có thể từ đây rút ra bài học kinh nghiệm trong giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp.
Trong năm 2020, nữ doanh nhân đã nhận được danh hiệu “Bông hồng Tài năng” tại lễ vinh danh “Bông hồng Quyền lực” 2020. Cùng năm, chị lọt vào Top 50 Nữ lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu 2020.
Nữ doanh nhân & chuyện “nhảy việc”: 5 năm ở một công ty mới “chín”
Trước khi là nữ Giám đốc Ngành hàng cao cấp L’Oreal Việt Nam, chị Mai Linh đã có nhiều năm “lăn lộn” trong mảng mỹ phẩm, sản phẩm cao cấp, sang ngành bán lẻ, thời trang, vận hành nội địa cũng như thị trường miễn thuế. Chị từng giữ nhiều vị trí quản lý trong các tập đoàn lớn như KAO, Unilever trước khi về “đầu quân” cho L’Oreal Việt Nam.
Theo doanh nhân Mai Linh, sự nghiệp với những bước chuyển sau một khoản thời gian nhất định là cách để mình tìm kiếm những điều mới mẻ, qua đó tiếp tục phát triển bản thân. Cảm giác thoải mái khi ở trong một vùng an toàn với những công việc quen thuộc rất dễ “ru ngủ” một người. Họ có thể tưởng rằng mình thật sự giỏi, giải quyết những nhiệm vụ mau lẹ, nhưng thật ra chỉ quanh đi quẩn lại những đầu bài đã biết và luôn nằm trong khu vực không mấy rủi ro.
Chị Linh cho rằng với những bạn trẻ luôn có khát khao khám phá chính mình, nên chủ động tìm kiếm cơ hội và luôn đặt bản thân vào những thử thách mới khó khăn hơn, phức tạp hơn để phát triển bản thân. Chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thực lực sẽ được phát huy và thách thức sẽ là chất xúc tác để các bạn trẻ bộc lộ hết những tố chất bên trong thậm chí ngay cả bạn cũng không biết tất cả.
Dù vậy, doanh nhân Lê Thị Mai Linh cũng lưu ý việc trải nghiệm qua nhiều môi trường, nhiều vị trí không đồng nghĩa với… “nhảy việc”. Hoặc đổi chỗ làm là lời bào chữa cho việc bỏ ngang giữa chừng. Chuyển việc liên tục trong thời gian ngắn ngược lại có thể tạo ấn tượng xấu trong mắt những nhà tuyển dụng.
Vì vậy, thời gian làm việc cho một công ty của bạn nên “trọn vẹn”. Với nữ doanh nhân, tối thiểu cũng phải là 5 năm, trong đó 1 năm đầu tiên chú trọng làm quen và học hỏi. Năm thứ hai sẽ bắt đầu tạo dựng một số thay đổi và trong 3 năm còn lại sẽ đem về những thành quả cho tập đoàn.
Các bạn trẻ có thể đặt ra những câu hỏi cho bản thân trước khi có ý định tìm kiếm những thử thách mới, như: Bạn đã học được những gì trong công ty? Giữa bạn và công ty có sự tương đồng về văn hóa và các giá trị (culture & values)? Bạn nhận ra mình có thêm những thế mạnh nào? Bạn cần thay đổi những gì để tốt hơn? Và quan trọng nhất bạn đã để lại được những “di sản” gì cho tổ chức? Nếu câu trả lời cho cả 4 câu hỏi trên thỏa mãn được chính mình, bạn hãy tính đến ý định thay đổi môi trường làm việc.
Cần chuẩn bị gì trong kỹ năng quản lý cho từng cấp độ?
Theo doanh nhân Mai Linh, ở mỗi cấp lãnh đạo trong công ty sẽ có yêu cầu và kỳ vọng khác nhau, nhưng đều dựa trên ba yếu tố quan trọng nhất liên quan đến kỹ năng của một người quản lý. Đó là kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc với con người và thành quả – những kết quả đo đếm được mà người đó mang lại cho công ty.
Ở từng cấp quản lý, mức độ đòi hỏi cho 3 yếu tố trên sẽ có sự chênh lệch. Lãnh đạo cấp cao (Senior) sẽ được kỳ vọng nhiều hơn về khả năng làm việc với con người, tiếp đó là những thành quả đã mang về cho doanh nghiệp. Kỹ năng của người quản lý sơ cấp (Junior) ngược lại được đòi hỏi phải có chuyên môn thật vững chắc, sâu rộng.
Quản lý cấp trung (Middle-Level) cần cân bằng cả 3 yếu tố trên. Khi nắm được yêu cầu chung cho từng nấc thang lãnh đạo, các bạn sẽ có thể chủ động lên kế hoạch xây dựng và phát triển bản thân tốt hơn.
Ngoài chia sẻ về những kỹ năng của nhà quản lý, doanh nhân Mai Linh cũng cho rằng các bạn trẻ nên đặt mục tiêu dài và hướng phấn đấu cho 10 năm, 20 năm tới. Khi có danh sách những đề mục cho tương lai, các công việc trong những giai đoạn ngắn sẽ là những viên gạch để xây những mục tiêu ấy.
Hành trình này không thẳng tắp, có thể sẽ có những đoạn buộc phải cong, nhưng chỉ khi có hướng đi rõ ràng, bạn mới có động lực và đo lường được sự phấn đấu của mình. Cũng cần nhớ rằng không có con đường tắt. Mỗi trải nghiệm đều là cơ sở giúp tạo thêm những giá trị trong tương lai.
Chị Linh cho rằng các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn mới ra trường, khi làm điều mình thích và có sở trường (thế mạnh), đem lại giá trị cho bản thân và mọi người, thì chắc chắn những giá trị vật chất như tiền bạc cũng sẽ tăng theo. Tiền bạc quan trọng nhưng không phải tất cả. Trong những năm tháng đầu tiên sau khi ra trường, cái cần thiết hơn là trải nghiệm, sự phát triển bản thân và được thấy mình trưởng thành qua mỗi ngày.
T.N