VNExpress | Dấu ấn nửa chặng đường chuỗi toạ đàm tuyển sinh UniPrep

Sau 5 tập phát sóng, chuỗi tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học” với những thông tin hữu ích về tuyển sinh, du học… đã thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi của độc giả.

Có con gái đang học lớp 12, chị Thu Trang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết tuần nào cũng đón xem các tọa đàm của UniPrep vì diễn giả chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, đa chiều và cập nhật, đúng những gì gia đình chị và con gái đang cần. “Sau khi xem số thứ hai ‘các trường kinh tế dạy gì sau đại dịch’, con gái tôi cũng xác định được ngành học thích hợp cũng như những lưu ý quan trọng trong vấn đề tuyển sinh”, chị Trang chia sẻ.

Anh Tuấn (quận 3, TP HCM) có kế hoạch cho con du học. Qua chủ đề về du học Australia, gia đình để con tự tìm hiểu và lựa chọn. “Nhờ chương trình tôi biết công cụ khám phá nghề nghiệp tương thích Study Australia (Study Australia Career Matcher). Vợ chồng thôi cũng xác định đồng hành cùng con thay vì áp đặt”, anh Tuấn nói.

Theo ghi nhận ban tổ chức, sau 5 tuần phát sóng, chương trình ghi nhận hàng trăm nghìn theo dõi trên VnExpress và fanpage của báo và ISB. Với nội dung đa dạng phong phú, gắn liền với nhu cầu tuyển sinh, câu chuyện đào tạo, những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, cùng sự xuất hiện của đông đảo các chuyên gia nổi tiếng trong ngành… mỗi số đều mang đến nhiều thông tin và màu sắc mới cho độc giả.

Số đầu tiên với chủ đề “Các trường kinh tế dạy gì sau đại dịch?”, khách mời là Phó giáo sư Ngô Viết Liêm – ĐH New South Wales, Sydney, Australia; Tổng biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal; Giáo sư Trương Nguyện Thành – ĐH Utah, Mỹ; Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, ĐH Western Sydney, Australia. Các diễn giả đã cho thấy bức tranh nguồn nhân lực toàn cầu thay đổi ra sao từ sau khi Covid-19 xuất hiện và cảnh báo về mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực nhân sự nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ phát triển vượt bậc. Bối cảnh này khiến tư duy đào tạo của mỗi trường cũng thay đổi. Theo đó các chuyên ngành mới như AI, Media, Marketing được cho là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay.

“Trong tương lai, tác động của AI ngày càng tăng, những nhiệm vụ thủ công, có tính chất lặp lại trước đây thì giờ máy móc có thể đảm nhiệm. Bởi vậy, nếu sinh viên không được trang bị năng lực, kỹ năng mềm thì không thể cạnh tranh với máy móc, dần dần sẽ bị robot thay thế”, Phó giáo sư Ngô Viết Liêm cũng nhấn mạnh.

Tại UniPrep, lần đầu tiên, hiệu trưởng ba trường đại học khối kinh tế top đầu Việt Nam cùng thảo luận về cách học và tuyển sinh năm 2022. Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM (UEH); Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP HCM.

Tại talk thứ hai, lãnh đạo cả ba trường cho biết tuyển sinh năm nay đều có sự đổi mới, mở rộng nội dung, chuyên ngành đào tạo để phù hợp với xu thế thực tiễn. Cụ thể, ĐH Kinh tế TP HCM tập trung vào nhóm học sinh giỏi, đặc biệt là trong yếu tố năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Với Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP HCM thì thông qua các kỳ đánh giá thị trường lao động, yêu cầu năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp, UEL sẽ đưa ra phương thức tuyển sinh riêng bên cạnh quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điểm mới nhất trong phương thức tuyển sinh của ĐH Kinh tế Quốc dân là áp dụng điểm đánh giá tư duy và năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay NEU cũng thay đổi tỷ lệ giữa các phương thức tuyển sinh do sự thay đổi trong đề, mục đích thi của kỳ thi THPT để chọn sinh viên phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo.

Với chủ đề “Cơ hội cho du học sinh Việt tại Australia, Canada, New Zealand thời Covid-19”, trong talk số ba, các diễn giả đã cập nhật thông tin du học tại các nền giáo dục hàng đầu thế giới, nhằm giúp phụ huynh và học sinh có bước chuẩn bị cần thiết cho hành trang du học.

Cũng đi từ nhu cầu của các bạn trẻ trước ngưỡng cửa định hướng tương lai, tọa đàm cũng thiết kế một số xoay quanh những băn khoăn của Gen Z khi chọn trường đại học. Các chuyên gia cho rằng, Gen Z (sinh năm 1997-2012) nên xác định rõ nhu cầu, lợi thế bản thân để thử sức trải nghiệm, tránh các rủi ro khi định hướng nghề nghiệp. Họ cũng khuyên học sinh không nên quá đặt trọn mong đợi vào đại học. Thay vào đó, một góc nhìn cởi mở sẽ giúp người trẻ dễ dàng vượt qua kết quả không như kỳ vọng.

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm số thứ 5 "Đào tạo doanh nhân 4.0".
Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm số thứ 5 “Đào tạo doanh nhân 4.0”.

Đào tạo doanh nhân trẻ cũng là đề tài thu hút sự quan tâm của độc giả trong số thứ 5. Diễn giả là Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, ĐH Western Sydney, Australia; Tiến sĩ Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I (UniGroup). Cả hai đều là doanh nhân và đồng quan điểm rằng doanh nhân thế hệ số cần hướng đến sự cạnh tranh toàn cầu. Ông Tín đánh giá về mặt công nghệ, Việt Nam có thời điểm, giá trị và mức tiếp cận tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Với “một thế giới phẳng” như vậy, thế hệ trẻ đã có thể loại bớt rất nhiều rào cản.

“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.

10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.

Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.