Tọa đàm UniPrep tập 5 công chiếu ngày 10/3, các khách mời là lãnh đạo doanh nghiệp sẽ mang đến những câu chuyện về đào tạo doanh nhân trong thời kỳ số.
Đứng trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch, một trong những yếu tố giúp nâng cao khả năng thích ứng và phát triển doanh nghiệp là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Theo nhiều chuyên gia, việc đào tạo đội ngũ doanh nhân 4.0 để chuẩn bị cho các kỹ năng, tư duy và kiến thức phục vụ bối cảnh mới là một trong những nhiệm vụ cấp thiết cần được lưu tâm.
Với chủ đề “Đào tạo doanh nhân 4.0”, trong tập thứ 5 của chuỗi tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học”, các khách mời của chương trình là những doanh nhân thực lực với những góc nhìn khác nhau sẽ mang đến nhiều thông tin về đào tạo người trẻ trở thành một doanh nhân trong bối cảnh mới.
Khách mời gồm Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, ĐH Western Sydney, Australia; Tiến sĩ Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I (UniGroup). Người điều phối xuyên suốt chương trình là PGS. TS. Trần Hà Minh Quân.
Phần đầu toạ đàm xoay quanh nội dung “Đào tạo kế nghiệp và chuyển giao thế hệ”. Các diễn giả sẽ chia sẻ góc nhìn về doanh nhân hiện đại có đặc điểm gì khác biệt so với các thế hệ doanh nhân trước đó; quan điểm về doanh nghiệp gia đình hay những câu chuyện thực tế về cha truyền con nối.
Với định hướng “nhường ghế cho giới trẻ”, Tiến sĩ Mai Hữu Tín tiết lộ kế hoạch chuẩn bị cho con mình kế nghiệp. Trong khi Tiến sĩ Lý Quí Trung lại cho biết lý do ông không định hướng cho con theo đuổi sự nghiệp của mình.
Phần hai “Tư duy kinh doanh của doanh nhân 4.0”, các diễn giả sẽ cùng bàn luận một doanh nhân thời đại số cần có những năng lực gì trước xu thế “Stay small” (Tạm dịch: thận trọng tính toán để đi từ bước nhỏ nhất). Để làm rõ xu thế này, Tiến sĩ Lý Quí Trung sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa “Stay small” và “Grow big” (Tạm dịch: bùng nổ để phát triển), cũng như ảnh hưởng đối với chiến lược đào tạo, giáo dục của trường đại học.
Thực tế có những người không qua trường lớp đào tạo nào song họ vẫn thành công trên thương trường. Trong thời kỳ công nghệ lên ngôi, câu hỏi đặt ra là việc kinh doanh khi không qua trường lớp có ảnh hưởng ra sao đến tư duy và tầm nhìn của mỗi cá nhân? Các chuyên gia sẽ đưa ra ra các định hướng kỹ năng, kiến thức và tư duy cần có giúp mỗi doanh nhân trẻ có thể hoàn thiện bản thân.
Phần tiếp theo của toạ đàm, hai chuyên gia bàn về sự điều chỉnh trong đào tạo để phù hợp với môi trường kinh doanh và làm việc đang thay đổi từng ngày. Từ câu chuyện thực tiễn của mình, các diễn giả sẽ đưa ra quan điểm để trở thành doanh nhân 4.0, giới trẻ cần môi trường học tập, trải nghiệm như thế nào. Hai vị chuyên gia hàng đầu cũng sẽ đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ có ước mơ trở thành những doanh nhân trong tương lai.
Tiến sĩ Lý Quí Trung là Giáo sư kiêm nhiệm và Cố vấn cấp cao của Đại học Western Sydney, Australia. Tên tuổi của ông gắn liền với thương hiệu Phở 24 với hơn 70 chi nhánh tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới vào giai đoạn phát triển cao điểm.
Ông còn được biết đến như một doanh nhân trí thức có nhiều đóng góp và chia sẻ giá trị đối với giới trẻ khởi nghiệp nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Ông là tác giả của nhiều đầu sách về quản trị kinh doanh, trong đó quyển “Bầu trời không chỉ có màu xanh” và “Chỉ có niềm đam mê” tái bản 8 lần. Tháng 7 năm ngoái ông ra mắt “Startup trong thời kỳ bình thường mới” do NXB Trẻ xuất bản. Cùng thời gian này ông được ĐH Western Sydney của Australia trao bằng Tiến sĩ danh dự do những cống hiến đối với sự phát triển của trường.
Tiến sĩ Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (Unigroup) do ông sáng lập. Công ty hiện có hơn 60 công ty thành viên, với đội ngũ nhân lực hơn 20.000 người. Ông có bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Bỉ và tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ.
Hiện ông là Thành viên Ban nghiên cứu Phát triển Tư nhân của Thủ tướng, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, và Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.