Theo TS. Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao ĐH Western Sydney (Australia), sự hỗ trợ của công nghệ và kỹ năng thích ứng có thể giúp doanh nhân trẻ thành công.
Chia sẻ tại tọa đàm số 5 của chuỗi UniPrep – “Đào tạo doanh nhân 4.0”, ông Trung cho biết, thế hệ doanh nhân trẻ cần chú trọng hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội hiện nay: công nghệ và sự tác động từ Covid-19.
Theo TS. Lý Quí Trung, doanh nhân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng đều cần có tầm nhìn xa. Tuy nhiên, khi tình hình xã hội, kinh tế không ngừng biến động khó lường, người làm kinh doanh vừa đối mặt với tác động của công nghệ vừa chịu tác trước sự thay đổi thói quen nhanh chóng của người tiêu dùng, người sử dụng lao động, người lao động…
Như vậy, doanh nhân trẻ cần có tầm nhìn dài hạn lẫn ngắn hạn để sẵn sàng điều chỉnh kịp thời trước biến động của thị trường. Đồng thời, việc đào tạo các bạn trẻ hiện nay cũng cần đáp ứng được hai bối cảnh song song này.
TS Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I (UniGroup) thì đề cao tính cân bằng trong cuộc sống doanh nhân. Theo ông thay vì phân tích sự việc hoàn toàn lý tính như quan niệm của nhiều người thế hệ trước, doanh nhân hiện nay cần có thêm cả cảm tính, cân bằng được IQ và EQ.
“Khi cân bằng được cuộc sống, việc vận hành doanh nghiệp cũng sẽ cân bằng theo, đồng thời, mang lại nhiều giá trị mang tính dài hạn, bền vững cho xã hội hơn”, ông nhấn mạnh.
Hai diễn giả đồng quan điểm, doanh nhân trong bối cảnh 4.0 cần quốc tế hóa tầm nhìn. TS. Lý Quí Trung chia sẻ, trước đây, ông luôn tâm niệm là phải đi từng bước một, phải thành công trong nước rồi mới đến các nước lân cận, cuối cùng là đi xa hơn đến các châu lục khác. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, quan niệm đó đã đảo lộn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều startup trong mảng này hoàn toàn có thể đi thẳng vào thị trường quốc tế song song với Việt Nam, thậm chí, phát triển quốc tế trước, về Việt Nam sau.
“Việc quốc tế hóa tầm nhìn và khả năng giao thương quốc tế chưa bao giờ lại thuận lợi như hiện nay”, ông khẳng định.
Dù vậy, kinh doanh trên thị trường quốc tế vẫn sẽ có khó khăn, ví dụ như nhiều quốc gia có xu hướng “dân tộc hóa”. Tuy nhiên, yếu tố công nghệ đã phần nào cào bằng biên giới này, từ đó, các startup hoàn toàn có thể cạnh tranh toàn cầu.
TS. Mai Hữu Tín cũng nhận định, về mặt công nghệ, Việt Nam có thời điểm, giá trị và mức tiếp cận tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Với “một thế giới phẳng” như vậy, thế hệ trẻ đã có thể loại bớt rất nhiều rào cản.
Theo ông, doanh nhân trẻ không thể nghĩ ngắn trong phạm vị nội địa. Thay vào đó, thế hệ này cần phải khẳng định bản thân có thể cạnh tranh ở tầm toàn cầu. “Doanh nhân không nên nghĩ nhỏ nữa, hãy nghĩ đến cấp cao nhất”, diễn giả nhấn mạnh.
Để theo đuổi được mục tiêu sánh ngang với các đối thủ trên toàn cầu, các doanh nhân trẻ cần trở thành một người có tinh thần dấn thân và nghiêm túc với nghề nghiệp.
“Nhìn vào thế hệ startup trẻ, các bạn đã rất táo bạo. Thế hệ cũ mới là đối tượng còn lấn cấn bởi có nhiều lợi thế ở sân nhà. Với thế hệ trẻ, sân chơi quốc tế màu mỡ hơn nhiều”, ông Lý Quí Trung chia sẻ thêm về thế hệ doanh nhân trẻ.
Hai chuyên gia cũng khuyến khích thế hệ doanh nhân trẻ nên tập trung triển khai một ý tưởng kinh doanh khi chưa đủ dày dặn kinh nghiệm. “Nếu là một người kinh doanh lâu năm, bạn có thể cân nhắc việc kinh doanh rộng hay sâu. Tuy nhiên, với một startup trẻ, tôi không khuyến khích các bạn làm nhiều việc một lúc”, Chủ tịch HĐQT UniGroup nói.
Chia sẻ câu chuyện thực tiễn, TS. Hữu Tín cho biết, nhiều người nghĩ rằng ông làm rất nhiều việc khi nhìn vào nhóm công ty của ông. Tuy nhiên, ông làm nhiều như vậy vì mỗi công ty chỉ làm một việc duy nhất và người lãnh đạo cần vươn lên trở thành người đứng đầu trong lĩnh vực họ làm.
Do đó, ông khuyên thế hệ trẻ, dù hoạt động niche market (thị trường ngách) hay lớn hơn, các bạn cũng nên bám theo đó, đặt mục tiêu trở thành người đứng đầu, chuyên gia thực sự trong ngành. Bản thân ông cũng đi sâu, phát triển trong một lĩnh vực duy nhất là phân bổ vốn, thay vì làm nhiều ngành công nghiệp một lúc.
“Khi bạn càng đi thật sâu, càng khó cho người khác. Họ phải chạy theo để cạnh tranh. Sau đó, khi đã vươn lên kinh doanh lớn, các bạn mới nên tính đến việc san sẻ rủi ro, mở rộng sang các ngành khác”, ông nhận định.
TS. Lý Quí Trung cho rằng có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn đi theo hướng đa ngành và thất bại. Việc phát triển đơn ngành là sự lựa chọn dựa trên kỹ năng và thế mạnh của mỗi người. Như vậy, mỗi doanh nhân trẻ nên nhận thức mình là ai, mạnh về điều gì… và tuyệt đối không chạy theo xu hướng nhất thời.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.