Ông Lê Trí Thông được biết đến như một doanh nhân thành đạt khi đang là đương kim TGĐ một doanh nghiệp lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Nhưng ít ai biết, ông từng là một nhà khoa học khi tốt nghiệp thủ khoa khoa Hóa ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh.
Ông Thông cho biết, máu kinh doanh đã ngấm vào ông từ nhỏ, nên, thay vì chọn con đường nghiên cứu sinh làm một Tiến sĩ chuyên ngành hóa học tại Mỹ sau khi được cấp học bổng tại đây, ông đã quyết… tái khởi nghiệp bằng cách chọn con đường MBA – Thạc sĩ kinh doanh.
Con đường doanh nghiệp cần nền tảng MBA
Thực tế, hiện nay không ít người là kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo… sau một thời gian hành nghề, nắm vững các nguyên tắc nghề nghiệp, hiểu rõ khách hàng, thị trường, muốn nâng quy mô hoặc thay đổi trạng thái nghề nghiệp, tìm đến MBA như cách để khai thông một điểm nghẽn.
Nhưng cũng không hiếm người ngần ngại. Bởi, kinh doanh và quản trị là những khái niệm cực kỳ mới mẽ. Nếu thực sự không có một nền tảng tri thức đại học về nó, liệu, có đủ kiến thức để học MBA?
Lý Quí Trung, người được biết đến với tư cách nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Phở 24 đình đám cho rằng: “Với những ngành nghề khác, như kỹ sư, bác sĩ… muốn làm lãnh đạo hay quản trị doanh nghiệp thì MBA chính là “bí kíp” cần thiết. Các chương trình MBA được thiết kế trên nền tảng bắt đầu cho người học từ các chuyên ngành khác chứ không chỉ cho người chuyên về Quản trị kinh doanh, do đó, sẽ không có chuyện ngỡ ngàng tiếp cận một chuyên ngành mới”.
Với Lê Trí Thông thì khác. Ông Thông kể, thuở nhỏ, một buổi học, một buổi theo cha (ông Lê Văn Trí, PTGĐ Casumina – NV) vào công ty, quan sát cách điều hành, dự khán những buổi họp, nhìn thấy những bế tắc trong chuyển đổi của doanh nghiệp thời xóa bao cấp, trong ông đã hình thành khao khát khám phá những tri thức về kinh doanh.
“Nếu chỉ dừng lại ở chỗ kiếm tiền hay phát triển sự nghiệp cá nhân, không chắc tôi đã được nhận vào chương trình MBA của Oxford. Chính cái khao khát tìm kiếm tri thức, bí kíp thành công của những doanh nghiệp lớn toàn cầu đã giúp bài luận của tôi được Oxford cấp học bổng”, ông Thông chia sẻ.
Đương nhiên, MBA là kiến thức, nhưng không chỉ là lý thuyết suông, mà chính việc giải quyết những case study (tình huống thực), với những giả định từ thầy, và giải pháp tháo gỡ là bạn học cùng lớp. Ông Thông nói, đấy mới chính là những giá trị theo ông suốt hành trình sau này, bởi những bạn cùng học là những doanh nhân, là những trí thức tầm cỡ khi có người có tới hai bằng tiến sĩ, có người là Phó giáo sư…
“MBA khác biệt so với những chương trình khác chính bởi nó một nửa học thuật, một nửa là thực tiễn. Đòi hỏi sự kết hợp cả hai vế đó là đòi hỏi về năng lực học thuật và độ chín của sự trải nghiệm tương đối. Chỉ cần bạn quan sát được vấn đề của doanh nghiệp đang diễn ra, đó đã là lợi thế lớn so với người mới”, ông Thông nhấn mạnh.
MBA không thể chỉ là “đúng hoặc sai”
Ông Lê Trí Thông nói rằng, một kỹ sư có thể tính toán chính xác quỹ đạo của tên lửa, biết nó mất bao nhiêu phần trăm phần triệu giây để đi từ A đến B; Biết một cái máy chạy bao nhiêu giờ sẽ gãy trục nhờ dựa vào các công thức tính toán ma sát, độ mòn… Chính vậy, khi học MBA, anh kỹ sư nọ sẽ cảm thấy khó chịu bởi nó không có độ chính xác như quỹ đạo tên lửa hay độ mòn của trục máy.
“Đây là chướng ngại khi đeo đuổi MBA. Với người làm khoa học tự nhiên, quen với chân lý khoa học hoặc đúng hoặc sai, quen với thuật toán 0 và 1, sẽ phải tập làm quen dần với khoa học quản trị, khoa học hành vi, ở đó, chuyện đúng sai không là tuyệt đối nữa, và giữa 0 và 1 là những khoảng mờ nào cần lấp đầy. Phải vượt qua nó mới có thể ngộ được cái đạo của MBA”, ông Thông nhấn mạnh.
“Kinh tế học là một ngành có tính định lượng tương đối cao nhưng không phải là tuyệt đối chính xác, bởi kiến thức con người tới thời điểm này, dù đang từng bước góp thêm cho ngành khoa học này những định lượng cao hơn nhưng vẫn không thể đạt độ chính xác của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Thực tế trong quản trị, ta sẽ gặp những vấn đề không chỉ có 0 và 1, mà ở giữa nó có rất nhiều trạng thái. Nghệ thuật của quản trị giúp ta chọn lựa giữa 0 và 1. Bài toán kinh tế là đa đáp số, với nhiều hơn một đáp số đúng và rất nhiều đáp số sai, chỗ này MBA sẽ giúp chúng ta thông thái hơn trong lựa chọn và giải quyết”, ông Thông diễn giải thêm.
Nhưng dĩ nhiên, một người đã chín muồi cùng với khoa học kỹ thuật hay công nghệ, sẽ là một lợi thế vô cùng to lớn khi học MBA. Ông Thông kể rằng, khi làm bài thống kê, một bạn học người Negieria dù đã có bằng MA về chuyên ngành này, khi thấy ông “ào ào” giải bài, đã lắc đầu và chỉ vào ông: “Bạn đúng là thiên tài!”.
“Đó không có gì là thiên tài cả – Ông Thông giải thích – bởi ở ĐH Bách khoa, mình đã giải biết bao bài toán khó hơn rất nhiều. Kết luận, với nền tảng và tư duy khoa học kỹ thuật, về mặt số, bạn chỉ cần ¼ công lực là có thể giải quyết những bài toán khó khăn nhất của MBA”.
“Thế giới rất là nhiều màu, mình không nhất thiết phải cố sửa chữa nó theo kiến thức của mình. Tôn trọng sự đa dạng màu sắc của thế giới, ta sẽ cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp đó trong tư duy của mình. Giữa những cái mờ đó mình chọn ra một số điểm màu thì mình sẽ thấy đường đi giữa những cái mờ đó. Một người học MBA, hay một nhà quản lý, mình phải tìm ra những điểm cố định trong cái biến đổi đó, để rồi nó dẫn mình đi từ điểm cố định này đến điểm cố định khác trong thế giới biến đổi”, ông Thông kết luận như vậy.
Từ năm 2010, Đại học Western Sydney, Úc và Viện ISB ký kết hợp tác chia sẻ nguồn lực và chuyên môn của hai bên. Mục đích nhằm tích cực hỗ trợ các hoạt động trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và tham quan học tập giữa sinh viên Việt Nam và Australia.
Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ kinh doanh liên kết giữa Viện ISB và Đại học Western Sydney – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm 1 chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.
Tìm hiểu chi tiết chương trình: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/