CEO PNJ Lê Trí Thông: Thạc sĩ Kinh doanh và “Đạo” MBA

Lê Trí Thông cùng em gái Lê Diệp Kiều Trang được giới trẻ Việt lứa 8x, 9x xem là hình mẫu của sự thành công đến từ học thuật. Ông Thông nổi tiếng bởi từng tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh nhưng lại chuyển hướng sang kinh doanh, cũng bằng con đường học thuật.

Ông Thông hiện là Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ.

Bước ngoặt MBA

Trong một buổi trò chuyện cùng bạn trẻ mới đây do Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) tổ chức, ông Lê Trí Thông chia sẻ rằng, “máu kinh doanh” đã ngấm vào ông từ nhỏ, nên, dù đã có học bổng Tiến sĩ ở Mỹ về chuyên ngành hóa học, ông vẫn bỏ để quyết tìm kiếm cơ hội lấy bằng MBA – Thạc sĩ Kinh doanh.

Ông Lê Trí Thông từng học thạc sĩ kinh doanh MBA tại Đại học Oxford
Ông Lê Trí Thông học bổng toàn phần từ Đại học Oxford khi mới 25 tuổi – Ảnh do nhân vật cung cấp

25 tuổi, với chỉ vỏn vẹn hai năm kinh nghiệm, ông Thông lúc ấy đúng là quá nhỏ bé so với những bạn bè đồng học tại lớp MBA của ĐH Oxford, một tên tuổi lẫy lừng về học thuật toàn cầu. Thực tế, Oxford đòi hỏi phải bốn năm kinh nghiệm cho một khóa học 12 tháng về MBA của họ. Do đó, những bạn bè cùng lớp với “baby MBA” (biệt danh của ông Thông lúc ấy) có người đã hai bằng tiến sĩ, có người đang là phó giáo sư…

“Tôi nói với những người phỏng vấn rằng, nếu chỉ xét kinh nghiệm là hai năm sau khi ra trường thì họ đã sai. Vì từ 7, 8 tuổi, tôi đã theo cha (ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina – NV) đến các buổi họp, theo dõi các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, phải tính kinh nghiệm của tôi từ những năm tháng đó”, ông Thông kể.

Dĩ nhiên, với một kỹ sư hóa đã “ngồi ghế nghiên cứu” cùng các thầy từ những năm thứ hai Đại học, thì thạc sĩ kinh doanh hẳn là một bước ngoặt đáng kể. Nhưng chính bước ngoặt này đã giúp ông thăng tiến bền vững trên sự nghiệp.

“Dù là một sinh viên xuất sắc ở Việt Nam, nhưng suốt tháng đầu tiên, lòng tự tin của tôi bị tổn thương khi không có bài tập nào được điểm A – Ông Thông kể – Khi đặt vấn đề với giáo sư, tôi mới vỡ lẽ: Tôi đã làm bài tập như một hình thức trả bài, mà lẽ ra, tôi phải làm bài với những gì thuộc về tôi, bằng quan điểm học thuật của tôi thì mới có khả năng đạt điểm cao”.

Một bầu trời khác đã mở ra, ít nhất là cách học, cách tiếp cận, buộc “baby MBA” phải thay đổi. Ông Thông nhìn nhận: “Có những lý thuyết học được từ ở trường, tới ngày hôm nay chỉ đúng khoảng 30% tình huống. Còn lại 70% tình huống thì cần có một lý thuyết khác!”.

Điều khó chịu nhất với một người theo khoa học tự nhiên là tư duy hoặc đúng, hoặc sai dường như không có chỗ trong MBA. Chính một bạn đồng học lớn tuổi đã khuyến cáo với ông: “Thế giới không có 0 và 1, thế giới không phải lúc nào cũng rõ ràng, nghề quản trị là nghề giải quyết các vấn đề không chắc chắn, không rõ ràng đó!”.

Ngộ ra những điều này, không phải là dễ dàng, ít nhất với một người vốn xem trọng chân lý trong học thuật như ông Thông.

Thạc sĩ Kinh doanh (MBA) không chỉ là nền tảng, mà còn là… “Đạo”

Rất nhiều lần trong câu chuyện, ThS. Lê Trí Thông gọi Thạc sĩ Kinh doanh (MBA) là Đạo, theo nghĩa một tôn giáo. Ông khẳng định, MBA chỉ đem lại kiến thức nền tảng chắc chắn để có thể gắn thêm, tùy biến sự tiến hóa của tri thức chứ không phải dạy cho ta cách giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Cái “Đạo” MBA sẽ theo ta mãi trong cuộc đời. Nó giúp tôi luôn nhìn nhận, quan sát, nạp vào và tiêu hóa, phản biện lại chính những lý thuyết mà mình đã được học để hình thành nên một thế giới quan mới. Chính cái “Đạo” này giúp ta có những bước thành công trong sự nghiệp, giúp ta khai phá những miền xác định mới, những thực tế của kinh doanh và doanh nghiệp”, ông Thông nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện đúng/sai của người làm khoa học tự nhiên, ông Thông cho rằng, một khi đã hiểu MBA là khoa học quản trị, là khoa học hành vi, việc phải chấp nhận tính tương đối của giá trị đúng/sai là một bước vượt thoát, một sự “ngộ đạo” MBA.

“Những kiến thức đã học đôi khi đối nghịch với kiến thức MBA. Chính “Đạo” MBA giúp tôi tìm ra lời giải”, ông Thông chia sẻ

Một thí dụ ông Thông đưa ra là lý thuyết quản trị của phương Tây luôn đề cao năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, xem đó là giá trị, là thương hiệu cho thành công, khuyến cáo doanh nghiệp không nên đầu tư đa ngành. “Nhưng thực tế, Apple, Facebook, Ford, Boeing, Microsoft hay VinGroup, Masan ở Việt Nam đều là các công ty đa ngành. Nếu máy móc áp dụng lý thuyết, chắc chắn sẽ không có những công ty, tập đoàn đa quốc gia, liên ngành lớn mạnh như thế”, ông Thông nhấn mạnh.

Chính từ việc “ngộ đạo” MBA mà ông Thông nhận xét rằng, học MBA không chỉ học những cái có trong giáo trình. “Học MBA với những cái có trong sách thì đó là kiến thức của nhân loại, còn giữa 2 dòng chữ đen có dòng trắng thì đó là kiến thức của mình. Bằng cách suy luận, bằng cách nghĩ của mình, mình đổ vào dòng trắng giữa dòng chữ đen mà in trong sách là cái đạo mà mình ngộ”, ông Thông nói.

Bởi theo ông, chính những dòng mình viết vào là những dòng đã trải nghiệm, đối chứng trên thực tế. “Mình đối chiếu mình với thực tế, luôn quan sát thực tế để bổ sung cho lý thuyết. Lý thuyết là phần dòng chữ đen, là sữa bột nhưng cái tạo ra giá trị là cả dòng chữ đen và dòng chữ trắng, như giá trị tạo ra ly sữa là nước cộng với bột, chứ không chỉ thuần túy là bột không”.

Từ năm 2010, Đại học Western Sydney, Úc và Viện ISB ký kết hợp tác chia sẻ nguồn lực và chuyên môn của hai bên. Mục đích nhằm tích cực hỗ trợ các hoạt động trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và tham quan học tập giữa sinh viên Việt Nam và Australia.

Western Sydney MBA là chương trình Thạc kinh doanh liên kết giữa Viện ISB và Đại học Western Sydney – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm 1 chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.

Tìm hiểu chi tiết chương trình: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/