CEO ELSA: ‘Đam mê là kim chỉ nam để thành công’

Bà Văn Đinh Hồng Vũ tin rằng dành thời gian trau dồi, đầu tư vào bản thân và tìm đúng niềm cảm hứng là cách để người trẻ có thành tựu.

Là diễn giả chính của hội thảo MBA For Success, CEO ELSA Văn Đinh Hồng Vũ đã có những chia sẻ về góc nhìn học thuật, bài học quý giá từ quá trình khởi nghiệp mà theo bà đây là hành trang cho các bạn trẻ bước vào tương lai.

Ở tuổi đôi mươi, Hồng Vũ có được vị trí đáng mơ ước ở Maersk, một tập đoàn vận tải hàng hải hàng đầu. Tuy nhiên, Vũ quyết tâm từ bỏ, tiếp tục hành trình học thuật với hai tấm bằng Thạc sĩ giáo dục và MBA tại Đại học Stanford, Mỹ.

Hồng Vũ ví von cuộc sống như một con tàu, tốt nghiệp đại học rồi kiếm việc làm, phải là một công việc tốt, rồi thăng chức. “Và cứ theo con đường ấy, mình sẽ quên mất rằng mình là ai, mình muốn làm gì, điểm mạnh của mình ở đâu”, bà nói.

Hai năm học MBA, bên cạnh nhiều kiến thức mới, bạn bè mới, còn là khoảng lặng để Hồng Vũ hiểu chính mình. “Ý thức mình muốn trở thành ai là điều quan trọng nhất để định hướng cuộc đời. Sau này mình không có chạy mãi theo con đường thành công, theo hệ quy chiếu xã hội định sẵn là phải đi làm, phải kiếm tiền, phải thăng chức, phải lập gia đình”, CEO ELSA chia sẻ.Bà cho rằng nếu không có hai năm đó, có lẽ bà đã bị cuốn vào dòng cuộc sống và quên mất đam mê của chính mình. Vũ nhận ra, giáo dục là niềm đam mê và chỉ có giáo dục mới là chất xúc tác để thay đổi cuộc sống của một người nên bà đã chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực này.

Theo Hồng Vũ, giai đoạn đầu khởi nghiệp luôn khó khăn. Những người khởi nghiệp có kiến thức nền và kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, họ có thể tự mình tạo ra những dòng thuật toán đầu tiên, đưa sản phẩm ra được thị trường sớm. “Khó khăn lớn nhất là làm sao để kêu gọi được những chuyên gia công nghệ về làm với mình”, bà nói.

Đặc biệt, nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói rất khan hiếm. Trên thế giới chỉ có một số “người khổng lồ công nghệ” như Microsoft, Google, hay Apple mới đủ nguồn lực để chiêu mộ người tài AI.

Đối mặt với thách thức, song Vũ vẫn tin vào sứ mệnh của mình. Bà tự đặt câu hỏi về việc mình có đam mê đủ lớn hay không. “Khi đó, đam mê như là kim chỉ nam giúp mình vượt qua mọi khó khăn”, Vũ khẳng định.

“Liệu đam mê có đủ lớn khiến bạn sẵn sàng bỏ 7-10 năm cuộc đời để theo đuổi hay không?”, Văn Đinh Hồng Vũ đặt câu hỏi và nói thêm rằng để theo đuổi đam mê, mỗi người phải chấp nhận đánh đổi rất lớn. Nếu như đam mê không đủ lớn và sự đánh đổi không đủ ý nghĩa, con người rất dễ bỏ cuộc.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, đội ngũ ELSA luôn tự hỏi là bản thân có còn đam mê công việc này hay không. “Nếu như mình mất đi niềm đam mê đó, Vũ nghĩ sẽ tìm kiếm con đường khác dễ đi hơn bởi khởi nghiệp không phải là cách kiếm tiền duy nhất”, bà nói. Người sáng lập ELSA kết luận: “Khởi nghiệp là con đường kiếm tiền khó khăn nhất. Do đó, mở một công ty riêng của mình để mình bỏ tâm huyết, theo đuổi thì cái lớn nhất là phải có đam mê thật sự mạnh mẽ”.

Thành công từ nền tảng tri thức

Bàn về làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong những năm gần đây, Hồng Vũ nhận định: “Các bạn trẻ thường đam mê trong năm nay và năm sau sẽ từ bỏ khi họ có đam mê mới. Leo núi cũng là đam mê, nhưng leo núi nó chỉ là đam mê cho bản thân mà thôi thì liệu bạn có dành ra 7-10 năm để trở thành nhà leo núi chuyên nghiệp hay không”

Bà khẳng định bản thân chỉ thật sự đặt tâm huyết và nỗ lực khi nhận ra đam mê đó đáng để theo đuổi và tạo được một sức ảnh hưởng đủ lớn cho cộng đồng, xã hội.

Áp dụng quan điểm đó trong vấn đề khởi nghiệp, Vũ tin rằng xác định được sứ mệnh và bắt đầu khởi nghiệp, đa phần các công ty sẽ không thành công trong một đến 3 năm đầu, 7-10 năm là chặng đường ngắn nhất để đạt được mục tiêu.

CEO-ELSA-dam-me-la-kim-chi-nam-de-thanh-cong
Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ tại một sự kiện.

Với Hồng Vũ, tri thức cũng đóng vai trò thật sự quan trọng. Bà tin rằng dành thời gian trau dồi và đầu tư vào bản thân rất đáng quý và khó đánh đổi được. Nhiều người nói dành thời gian học thạc sĩ hoặc thậm chí là bằng đại học là phí phạm thời gian. Nhưng việc du học đã dạy cho Vũ những bài học quý giá, không chỉ là về nền tảng giáo dục, kinh doanh và những gì liên quan thực tế đến công việc hiện nay.

Một nội dung quan trọng mà bà đã học được ở MBA là kỹ năng quản trị. Cụ thể hơn là quản trị con người và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Theo bà, kỹ năng này sẽ đồng hành cùng bạn, dù bạn xây dựng công ty ở Mỹ hay Việt Nam. “Ở MBA, kỹ năng lãnh đạo sẽ được giảng dạy nhiều nhất. Các chương trình đào tạo khác sẽ không tập trung vào kỹ năng quản trị như MBA”.

MBA còn trang bị cho học viên kỹ năng tuyển dụng, xây dựng văn hóa công ty. Đây là kỹ năng mà bà đã áp dụng nhiều nhất trong công việc hiện tại.

Bên cạnh kiến thức, những mối quan hệ, người bạn cũng là một lợi ích vô giá mà MBA đã đem lại. Những học viên đến từ nhiều lĩnh vực, nền văn hóa khác nhau đã giúp Vũ có được góc nhìn toàn cầu, hiểu được cách làm việc với nhiều người trong môi trường làm việc đa văn hóa.

“Nếu không có nền tảng từ những người giáo sư, cố vấn và bạn bè thì Vũ khó có thể xây dựng sự nghiệp đến ngày hôm nay”, CEO ELSA Văn Đinh Hồng Vũ nói.

Western Sydney MBA là chương trình Thạc sĩ Kinh doanh liên kết giữa Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và Đại học Western Sydney (Úc) – Trường top 300 – 1.2% thế giới. Đây là chương trình dành cho các học viên đang mong muốn tìm kiếm một chương trình MBA quốc tế học tại Việt Nam từ trường đại học hàng đầu thế giới.

Thông qua các chương trình đào tạo dựa trên kinh nghiệm, tình huống thực tế và dự án kinh doanh sẽ giúp học viên phát triển kỹ năng quản lý – lãnh đạo chuyên nghiệp, thúc đẩy khả năng thăng tiến, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Tìm hiểu thêm: https://isb.edu.vn/thac-si-kinh-doanh-western-mba/