VNExpress | Các nền giáo dục hàng đầu linh hoạt chính sách đón du học sinh

Australia, Canada và New Zealand triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, đời sống, số giờ làm việc, mức lương… cho du học sinh trong thời gian tới.

Tại tọa đàm “Cơ hội cho du học sinh Việt tại Australia, Canada, New Zealand thời Covid-19” do báo VnExpress và viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM phối hợp tổ chức, các diễn giả khẳng định, Covid-19 tạo nên nhiều thách thức, đồng thời, mang đến cơ hội cho ngành giáo dục quốc tế và phụ huynh, học sinh.

Độc giả xem tọa đàm tại đây.

Trước tình hình dịch bệnh, Australia, Canada và New Zealand đều có sự thay đổi linh hoạt trong chính sách để đáp ứng điều kiện, nhu cầu của du học sinh.

Theo bà Ngô Thu Hương – Giám đốc Phát triển Thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia – AusTrade, khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Australia đã dành 200 triệu AUD để thực hiện các chương trình hỗ trợ sinh viên quốc tế.

24.000 du học sinh Việt Nam đã học tập tại các cơ sở đào tạo của Australia trong năm 2021. Do đó, chính phủ và các bang cùng cơ sở giáo dục luôn có hoạt động bảo vệ sức khỏe, tinh thần, cuộc sống sinh hoạt cho du học sinh như chương trình Food Bank, hỗ trợ vấn đề thuê nhà, liên tục cập nhật chính sách, thông tin về giáo dục, việc làm… Chính phủ Australia duy trì số giờ làm thêm cho học sinh quốc tế để đảm bảo thu nhập của các bạn trong thời gian lưu trú, học tập tại đây.

Bà Ngô Thu Hương - Giám đốc Phát triển Thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (hàng trên, bên phải); bà Bành Phạm Ngọc Vân - Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (hàng dưới, bên phải); bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - Tùy viên Thương mại, phụ trách phát triển giáo dục của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP HCM (hàng dưới, bên trái) và PGS. TS. Trần Hà Minh Quân - Viện trưởng Viện ISB (hàng trên, bên trái).
Bà Ngô Thu Hương – Giám đốc Phát triển Thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (hàng trên, bên phải); bà Bành Phạm Ngọc Vân – Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (hàng dưới, bên phải); bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Tùy viên Thương mại, phụ trách phát triển giáo dục của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP HCM (hàng dưới, bên trái) và PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng Viện ISB (hàng trên, bên trái).

Về phía New Zealand, bà Bành Phạm Ngọc Vân – Giám đốc Thị trường Việt Nam, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) cho biết, số lượng du học sinh trong hai năm này sụt giảm song dự định du học của các bạn trẻ không thay đổi đáng kể. Một số khảo sát gần đây cho thấy thị trường du học vẫn rất sôi động, học sinh luôn trong tâm thế sẵn sàng.

Hầu hết du học sinh quan tâm tới khuyến nghị, quy trình cách ly, điều kiện an toàn tại các nước. Vì vậy, New Zealand đã tích cực thực hiện chống dịch, đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và xây dựng chế độ phúc lợi tốt cho học sinh quốc tế.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh bất định hiện nay, yêu cầu đối với sinh viên tốt nghiệp cao hơn dẫn tới, các trường đại học đã bắt đầu đưa các kỹ năng về tương lai như liên ngành, đa ngành… vào chương trình đào tạo.

Tại Canada, ngay từ khi Covid-19 mới bùng phát, nước này đã bắt đầu tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên quốc tế. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Tùy viên Thương mại, phụ trách phát triển giáo dục của Tổng lãnh sự quán Canada tại TP HCM chia sẻ, khi chưa thể học trực tiếp, Canada cho phép sinh viên học online và tính toàn bộ thời gian này vào giấy phép làm việc (Work Permit) sau khi tốt nghiệp. Quy định này vẫn kéo dài đến tháng 8 tới.

Canada sẵn sàng đón du học sinh đến học trực tiếp. Ảnh: EduCanada.ca
Canada sẵn sàng đón du học sinh đến học trực tiếp. Ảnh: EduCanada.ca

Ngoài ra, trong xu thế số hóa và quốc tế hóa, các trường trong ba nước này nói riêng, thế giới nói chung đều tạo lập sự kết nối sâu sắc hơn với cơ sở đào tạo tại Việt Nam để đưa ra lộ trình học tập linh hoạt, có thêm sự lựa chọn cho học sinh.

Chính sách du học trong bình thường mới

Chia sẻ về chính sách của Australia, bà Thu Hương cho biết, ngày 18/1, Chính phủ nước này đã thông báo là những người mang thị thực tạm trú dành cho sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp tại nước này sẽ được gia hạn đến 30/9 để bù vào thời gian đã bị thiệt thòi do Covid-19. Giữa tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Australia ra quyết định đón toàn bộ sinh viên quốc tế khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Đồng thời, sinh viên quốc tế có thể cập nhật chính sách hỗ trợ việc làm, làm thêm, kỹ năng của từng bang tại trang thông tin để sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Ngoài ra, tại Việt Nam, Australia có đại diện của 40 trường đại học để giúp học sinh cập nhật thông tin, chọn ngành, trường phù hợp.

Australia cập nhật đầy đủ chính sách hỗ trợ tài chính, việc làm, học tập... trên trang thông tin nhằm giúp sinh viên sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Ảnh: Austrade
Australia cập nhật đầy đủ chính sách hỗ trợ tài chính, việc làm, học tập… trên trang thông tin nhằm giúp sinh viên sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Ảnh: Austrade

Tại Canada, từ ngày 15/1, tất cả sinh viên quốc tế trên 18 tuổi, đã tiêm chủng đầy đủ đều có thể nhập cảnh và học trực tiếp. Sau đó, du học sinh có thể làm việc bán thời gian trong và ngoài khuôn viên trường, toàn thời gian vào những kỳ nghỉ không phải tới trường, tham gia chương trình thực tập hay kết hợp với doanh nghiệp…

“Ngoài tiếp thu kiến thức, các bạn còn có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong các môi trường làm việc quốc tế. Điều này giúp ích rất nhiều cho các bạn trong công việc sau này”, bà Cẩm Tú khẳng định.

Chính phủ New Zealand thông báo sẽ bắt đầu đón các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, trong đó có sinh viên quốc tế, theo từng giai đoạn từ ngày 30/4. Tuy nhiên, hiện nước này chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể.

Về chính sách, cơ quan giáo dục New Zealand đã phối hợp với các đơn vị trường học, cộng đồng sinh viên quốc tế để tạo nên hệ sinh thái ba tầng, hỗ trợ toàn diện, từ học tập đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe, tâm lý. Đồng thời tạo ra một cộng đồng du học sinh gọi là “peer support”, tức là những bạn đồng trang lứa ở trong cùng hoàn cảnh du học sẽ có những góc nhìn và sự hỗ trợ sâu sát hơn.

New Zealand còn có quy định về mức lương làm thêm, tối thiểu 20 NZD một giờ để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Học sinh quốc tế hoàn tất bậc cử nhân trở lên sẽ được ở lại nước này làm việc ba năm. Các trường cũng có chính sách riêng cho việc đi lại, hỗ trợ giấy tờ, visa trong quá trình trình xét, thủ tục học chuyển tiếp… Ngoài ra, sinh viên có thể nhận hỗ trợ về mặt học thuật. Trong đó, Đại học Auckland đã tạo một trung tâm học tập tại TP HCM để làm điều này.

Chính phủ và các cơ sở đào tạo New Zealand hỗ trợ sinh viên quốc tế về cả học thuật, việc làm và sức khỏe, tâm lý. Ảnh: ENZ
Chính phủ và các cơ sở đào tạo New Zealand hỗ trợ sinh viên quốc tế về cả học thuật, việc làm và sức khỏe, tâm lý. Ảnh: ENZ

Lời khuyên từ chuyên gia

Chuyên gia khuyên rằng, trước khi đi du học, học sinh cần xác định rõ đam mê, mục tiêu, thiên hướng của bản thân để có lựa chọn mô hình học tập đúng đắn, ít rủi ro nhất. Để làm được điều này, các bạn cần tìm hiểu thật kỹ thông tin từ các nước, trường học… thông qua các trang của Chính phủ, cơ quan các bang và đơn vị đào tạo.

Học sinh quốc tế cần trang bị “bản lĩnh du học”, sẵn sàng chấp nhận điều không mong muốn và điều chỉnh lộ trình, theo đuổi mục tiêu đến cùng. Đại diện ENZ khẳng định, không có lựa chọn nào là tốt, giỏi nhất hay theo đúng xu hướng, ngành nghề đang phổ biến. “Lựa chọn đúng nhất là phù hợp với điều kiện bản thân, gia đình và dựa vào bản lĩnh các bạn xây dựng, hun đúc”, bà nói thêm.

Bên cạnh đó các chuyên gia khuyến khích du học sinh thử, trải nghiệm tất cả những điều có thể để tích lũy kinh nghiệm, góc nhìn. Trong quá trình sinh sống, học tập hay làm việc, các bạn đều nên tích cực thử cái mới. “Đừng ngại thách thức, khó khăn. Cứ thử đi, chúng ta có tuổi trẻ, sức khỏe, niềm đam mê, do đó, cần phải thử để bản thân thành công hay thất bại, có thể học được những gì”, bà Ngô Thu Hương nhấn mạnh.

“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.

10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.

Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.