Các bạn trẻ hay “nhảy” việc, thiếu kiên định với nghề nghiệp do chưa tìm ra câu trả lời cho ba câu hỏi nội tại: muốn làm gì, tạo động lực ra sao và hạnh phúc thế nào.
Tại tập 8 UniPrep, ông Lê Đình Hiếu – CEO Học viện G.A.P, cựu sinh viên Đại học California, Los Angeles – Mỹ (UCLA) cho biết, vấn đề nhân sự trẻ không kiên trì làm việc trong một doanh nghiệp rất phổ biến do bị ảnh hưởng bởi bạn bè, thông tin từ mạng xã hội, báo chí…
Các bạn trẻ gặp khó trong việc xác định điều mình nên tập trung, dẫn tới tình trạng “cả thèm chóng chán” với nghề nghiệp
Bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe cũng phân tích, do tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, các bạn trẻ gặp khó trong việc xác định điều mình nên tập trung, dẫn tới tình trạng “cả thèm chóng chán”. Mặt khác, vấn đề thông tin cũng có thể gây nên sự ảo tưởng về “thành công nhanh” ở người trẻ.
Các yếu tố bên ngoài tuy ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng nhưng nếu có cơ sở nội tạo vững vàng, sinh viên có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. CEO Học viện G.A.P nhận định, học sinh, sinh viên cần tự bổ sung cho mình ba chữ “self” (tạm dịch: nội tại).
Đầu tiên là “self awareness” (tự nhận thức). Theo ông, người trẻ hiện nay thiếu sự thấu hiểu chính mình. 12 năm học phổ thông, học sinh đi theo thành tích của nhà trường, định hướng của cha mẹ. Do đó, khi lên đại học, các bạn không hiểu chính mình và bắt đầu đi theo những trào lưu của xã hội bên ngoài; chỉ quan tâm nghề nghiệp gì khi đi làm sẽ được nhiều tiền hay cái gì thành công nhanh.
“Các bạn quên đi việc hiểu chính mình. Trong khi đó, chỉ khi hiểu bản thân, bạn mới biết mình nên làm gì”, ông khẳng định.
Từ đó, sinh viên có thể dẫn tới từ “self” thứ hai là “self-motivation”, tức tự tạo động lực cho chính mình. Nhiều người lao động nhảy việc liên tục do Fomo (Fear of missing out – sợ bỏ lỡ). Bên cạnh đó, nhiều bạn nhanh chóng cảm thấy mình hiểu biết vấn đề này như vậy đủ bởi không tự tạo được đủ động lực, để đào sâu hơn.
Nam diễn giả chia sẻ, những người thành công ông tiếp xúc, đặc biệt là trong danh sách Under30 của Forbes, khi gặp thất bại trong điều gì đó, họ có thể tạo động lực đủ lớn cho mình và vượt qua.
“Cám dỗ bên ngoài nhưng nếu có đủ động lực, bạn vẫn có thể theo đuổi ước mơ tới cùng”, ông nhấn mạnh.
Bà Thanh bổ sung, trong quá trình học, sinh viên có thể bị lung lay, băn khoăn về lựa chọn nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, nếu kiên định một thời gian đủ lâu, các bạn có thể học thêm về vấn đề đó, xây dựng nền tảng đủ dày và sâu để kiến thức trở thành một phần của mình. Sau đó, nếu có ý muốn thay đổi, các bạn hoàn toàn có thể chuyển sang lĩnh vực khác bằng cách học song bằng hay các chứng chỉ nhỏ trau dồi kỹ năng.
“Ít nhất, với xu hướng đa nhiệm hiện nay, nếu bạn có đủ kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bạn có thể áp dụng rất nhiều trong công việc”, bà nói thêm.
Cuối cùng, ông Hiếu nhấn mạnh tới “self-happiness”, tức phải tự tìm ra được hạnh phúc cho cuộc đời của mình. Điều này do bản thân tự quyết định, xuất phát nội tại mỗi người. Người lao động cần cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có, đạt được, thử thách và hành trình mình đang đi hay không.
“Đó là những cái giữ lửa nhiệt huyết của bạn khi theo đuổi đam mê. Chữ ‘self’ này để mỗi ngày trên con đường đã chọn, bạn luôn luôn biết cách hạnh phúc với những điều mình đã đạt được để có cách sống tích cực hơn”, ông khẳng định.
Chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân, cựu sinh viên UCLA kể lại, thời điểm từ bỏ công việc trong một công ty đa quốc gia với mức lương cao, nhiều người cảm thấy ông “điên” hoặc thấy “tội” cho quyết định khó khăn này. Tuy nhiên, là một người thích sẻ chia, tạo nên các giá trị thiết thực cho mọi người, ông cảm thấy hạnh phúc với doanh nghiệp xã hội, làm giáo dục công đồng, phục vụ những đối tượng đặc biệt như vậy.
Bà Thanh cho biết thêm, mọi người thường đánh giá nghề nghiệp thất bại dựa trên nhìn nhận mang tính bề mặt như không hoàn đủ tiền về, không thăng chức…Tuy nhiên, để thành công bền vững, người trẻ cần đo lường kết quả bằng những giá trị tạo ra từ các hoạt động, dự án đã thực hiện đến với mọi người và gắn nó với đam mê của bản thân.
“Thước đo của mỗi người đều khác nhau. Khả năng đưa ra thước đo riêng cho thành công và hạnh phúc. Bạn có thể vượt qua sự thất bại nhưng vẫn nhìn thấy bài học, sự hạnh phúc để tiếp tục làm tốt hơn”, bà nhấn mạnh.