Theo TS. Lý Quí Trung, để làm chủ người khởi nghiệp cần có các kỹ năng quan trọng như đọc hiểu báo cáo tài chính, biết định giá doanh nghiệp và biết bán hàng, thuyết phục.
Trong tập 10 tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học”, TS. Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia) đã chia sẻ câu chuyện xây dựng Phở 24 – thương hiệu đặt nền móng cho mô hình nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam.
Độc giả xem chương trình tại đây |
TS. Trung kể lại, ý tưởng kinh doanh Phở 24 xuất phát từ mong muốn xây dựng chuỗi nhà hàng Việt Nam có tiêu chuẩn đồng nhất và bành trướng rộng khắp như McDonald’s hay KFC mà ông chứng kiến khi đến Australia du học. Nhìn các thương hiệu Mỹ tung hoành khắp nơi trên thế giới, ông tự hỏi tại sao Việt Nam không làm được như vậy.
“Một ngày nào đó, khi học xong, tôi cũng sẽ xây dựng một chuỗi nhà hàng Việt bài bản để phủ khắp Việt Nam và nhân rộng ra thế giới” – niềm ao ước thời sinh viên đã theo ông suốt nhiều năm và lớn dần theo thời gian. Đến nay, ông vẫn lưu giữ cuốn sổ ghi chép lại sau mỗi lần tham quan McDonald’s tại Australia.
Sau khi thành công thuyết phục gia đình, ông bắt đầu xây dựng và nhân rộng mô hình Phở 24 với các đặc tính đồng bộ, chuyên nghiệp bằng phương thức nhượng quyền kinh doanh. Tiệm phở cao cấp đầu tiên của Việt Nam được khai trương tại trung tâm TP HCM vào tháng 5/2003.
Quá trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng đối với TS. Lý Quí Trung. Quá trình thuyết phục các cộng sự, đối tác về một mô hình kinh doanh quá mới không hề suôn sẻ. Ông từng gặp khó trong việc thuyết phục chủ nhà cho thuê mặt bằng đắc địa hay nhân tài trẻ rời bỏ các cơ ngơi rất lớn để đầu quân cho mình đi bán phở.
Tuy nhiên, niềm đam mê và khát khao làm điều lớn, khác biệt đã giúp ông có được sự ủng hộ của mọi người, đồng thời, giúp nhà sáng lập vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để vươn lên, xây dựng một thương hiệu Việt vững mạnh. TS. Trung kể lại, ngày nào ông cũng mơ đến hình ảnh Phở 24 khai trương tại các thành phồ lớn trên thế giới như New York, London, Bắc Kinh, Tokyo…
“Niềm khao khát đó giống như ngọn lửa, luôn được hun đúc hâm nóng từ bên trong, từ đó, mọi khó khăn trước mắt trở nên nhỏ bé”, ông nhấn mạnh.
Từ bài học của mình, nam diễn giả khuyên các bạn trẻ nên có khát khao lớn và niềm đam mê để theo đuổi đến cùng bất cứ dự án, ý tưởng kinh doanh nào. Thế giới đã phẳng hơn nhiều nhờ sự giúp sức của công nghệ. Do đó, người trẻ không có lý do gì lại không nghĩ đến một bức tranh lớn, thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, người khởi nghiệp vẫn cần bắt đầu bằng những bước đi nhỏ.
Theo ông Trung, với những nhà khởi nghiệp trẻ để làm chủ thay vì quản lý, cần ba nền tảng cơ bản.
Thứ nhất là kỹ năng đọc hiểu các bản báo cáo tài chính quan trọng, bao gồm: báo cáo doanh thu, báo cáo dòng tiền và bảng cân đối kế toán. Do đó, kiến thức tài chính cơ bản là điều rất cần thiết khi khởi nghiệp.
Thứ hai, người khởi nghiệp cần nắm rõ khái niệm về giá trị của công ty, cụ thể là công ty mình có giá trị khoảng bao nhiêu tiền và mỗi quyết định quan trọng mang tầm chiến lược ảnh hưởng ra sao đến giá trị của công ty.
Cuối cùng, chủ doanh nghiệp cần có khả năng bán hàng, thuyết phục người khác và linh động, biết tuỳ cơ ứng biến, “lấy ngắn nuôi dài” để đưa công ty qua khó khăn. Mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nhân cần có những hướng đi riêng rất đặc thù của riêng mình. Ông gọi đó là “unconventional business skills” – độc chiêu kinh doanh.
Với câu chuyện của của chuỗi Phở 24, ông cho rằng “độc chiêu” có thể nằm trong chính mô hình kinh doanh. Đây là một tiệm phở cao cấp, bài trí đẹp mắt, dịch vụ chuyên nghiệp, đồng bộ, mang đẳng cấp của các chuỗi tiệm ăn nhanh có tiêu chuẩn quốc tế. Thời điểm năm 2003, khi Phở 24 ra đời, những đặc điểm này có thể được xem là rất khác biệt.
Khâu định giá sản phẩm cao gấp đôi mặt bằng chung thị trường cũng là một trong những “độc chiêu” của ông lúc bấy giờ. Khi đó, Phở 24 không định giá sản phẩm dựa trên công thức phổ biến trên thị trường ẩm thực là chi phí thực phẩm chiếm khoảng 30-35% giá thành bán ra. Thương hiệu tính giá bán ra dựa vào túi tiền hay ngân sách của đối tượng khách hàng mục tiêu.
“Do đó, mức giá 24.000 đồng lúc đó tuy rất cao lại trở nên rẻ”, ông nói.
Bên cạnh đó, cách thức chuỗi áp dụng mô hình nhượng quyền thương mại đối với thị trường Việt Nam, nơi kiến thức hay pháp luật về lĩnh vực này còn mới và hạn chế, có thể xem là “độc chiêu kinh doanh” thời điểm đó. Để đồng hành với các đối tác mua nhượng quyền, ông Trung đầu tư vào tất cả các tiệm phở này ít nhất 30% cổ phần. Theo đó, người bán nhượng quyền và người chủ đồng sở hữu cửa hàng đều có số vốn ít nhất là 30%.
Như vậy, mỗi doanh nhân đều cần có hiểu biết nền tảng, thực tập kiến thức đã tiếp thu, am hiểu thị trường và hơn hết, phải luôn biết suy nghĩ khác biệt, ứng xử linh động để tạo hướng đi riêng.
“Hễ thấy mọi người rẽ trái, bạn nên rẽ phải vì những người thành công luôn thuộc nhóm thiểu số và có suy nghĩ khác biệt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên đi chiều ngược lại, bạn phải có tính toán cẩn thận, logic. Khi cơ hội đến, hãy hành động ngay!”, ông nhấn mạnh.
Theo VNExpress