Nền Y tế Việt Nam và vấn đề phục vụ hay dịch vụ trong ngành y đã và đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng. Dường như đang có những sự chuyển đổi đáng kể trong lĩnh vực y tế và dịch vụ y tế, khi mà bệnh nhân dần được xem như một khách hàng hơn là một đối tượng nghĩa vụ.
Khách mời của chương trình MBA For Success được tổ chức bởi Viện ISB gần đây là ThS. BS Nguyễn Thành Danh – Tổng Giám đốc Besins Healthcare Việt Nam. Với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh y dược, ông đã mang đến những mô tả rõ nét về bức tranh chung và xu hướng chuyển đổi hiện tại của ngành y tế Việt Nam.
Bức tranh y tế công – tư tại Việt Nam hiện ra sao?
Theo ThS. BS Nguyễn Thành Danh, ở Việt Nam, lực lượng y tế công vẫn chiếm đa số. Năm 2016, số giường bệnh công chiếm tới 93% cả nước, đến năm 2020 con số này dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức khá khá cao, khoảng 85%. Nói cách khác hệ thống bệnh viện vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng y tế công lập.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng trong ngành y tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến. Theo dự đoán, trong vòng 3 năm nữa số giường bệnh của bệnh viện tư sẽ chiếm tăng lên 1/3 so với cả nước. Bệnh viện tư cũng có nhiều chính sách thu hút nhiều nhân tài, có thể cạnh tranh được với khối công về chuyên môn.
Bên cạnh sự gia tăng của bệnh viện tư là quá trình tự thay đổi ở khối nhà nước. Chẳng hạn, trước đây các bệnh viện công thường rất ngại khi đề cập đến chuyện kinh doanh hay marketing. Thì những năm gần đây, họ đã quen với những khái niệm mang màu sắc “kinh tế thị trường” hơn như “tự chủ”, “dịch vụ y tế”, “lấy bệnh nhân làm trung tâm”,… trong kinh doanh y dược.
Các bệnh viện hằng năm đều khảo sát mức độ hài lòng, trải nghiệm khám của người bệnh, chăm chút vào hành trình thăm khám cho bệnh nhân. Điều này cho thấy họ thật sự đang xem bệnh nhân như những “khách hàng” của mình.
Dù vậy, quá trình chuyển đổi của nền y tế chắc chắn sẽ gặp một số rào cản bởi lẽ sức khỏe là một lĩnh vực khá nhạy cảm. Chẳng hạn khi tự chủ, các bệnh viện buộc phải xây dựng lại cấu trúc giá, vốn khó lòng làm vừa ý hết mọi người. Tuy nhiên, hướng đi này được Tổng Giám đốc Besins Healthcare Việt Nam đánh giá là một xu hướng tất yếu trong ngành y.
Tương tự với ngành dược, trước đây 2/3 thị trường thuốc phần lớn là nhập khẩu, các công ty kinh doanh y dược nước ngoài không được phép phân phối, kinh doanh mà chỉ được thực hiện các hoạt động marketing. Đến nay, các doanh nghiệp ngoại đã được cho phép phân phối trong nước.
Riêng số doanh nghiệp nội cũng ngày một tăng lên, được định hướng thị trường nhiều hơn. Các nhà thuốc trong nước từ chỗ nhỏ lẻ, nay đã xuất hiện những chuỗi lớn phù hợp với hướng chuyển đổi của ngành y tế Việt Nam.
Sự sôi động không ngừng ở cả khu vực bệnh viện và dược phẩm cho thấy cơ hội cho các bạn trẻ ngày nay là rất lớn. Đặc biệt, trong thời gian tới khi bức tranh chung của nền y tế Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn, các bạn trẻ sẽ ngày càng có thêm những điều kiện để làm việc và phát triển bản thân.
Kinh doanh Y Dược: Mỗi người cần tìm một mentor
Rẽ ngang từ một bác sĩ sang làm trong lĩnh vực kinh doanh y dược và nay trở thành một “người cố vấn”, đào tạo kỹ năng và có những đóng góp nhất định cho nền y tế Việt Nam, ThS. BS Nguyễn Thành Danh cho rằng bên cạnh chuyên môn, các kỹ năng mềm cũng cực kỳ quan trọng. Đặc biệt khi lên các cấp quản lý, nhóm kỹ năng này lại càng chứng tỏ giá trị, để giải quyết các thách thức cả trong lẫn ngoài công ty.
Về nội bộ, người lãnh đạo không thể nắm sâu được hết các phòng ban. Do vậy, họ phải tự học để ít nhất hiểu được những bộ phận khác đang làm gì. Có thể sẽ không sâu sắc bằng những người làm trực tiếp, nhưng cần kiến thức chung để lãnh đạo, thảo luận,… Một trong những xung đột phổ biến trong công ty chính là không hiểu được công việc của những phòng ban, đơn vị cấp dưới của mình.
Bên ngoài công ty, các kỹ năng một lần nữa chứng minh sự thiết yếu. Gặp gỡ khách hàng sẽ phát sinh vô số vấn đề về pháp lý, luật lệ, văn hóa,… tất cả đều là những rào cản mà mỗi người phải có cách vượt qua.
Đôi lúc chỉ vì chưa thể hiểu nhau, các hợp đồng không thể ký kết. Kinh nghiệm là cần tạo tương tác và kết nối với khách hàng từ sớm, lắng nghe và tôn trọng những kỳ vọng của họ để luôn có những định hướng kịp thời cho công ty.
ThS. BS Nguyễn Thành Danh khuyên rằng ai cũng sẽ cần những kinh nghiệm từ những người đi trước. Do đó, với việc kinh doanh y dược, ở trong công ty hay bất kỳ một tổ chức nào, bạn cần tìm cho mình những người “mentor” để có thể tham vấn khi cần thiết. Thậm chí không chỉ là những chuyện trong công việc, những người này sẽ có thể giúp bạn tìm được những bước đi sáng suốt cho sự nghiệp.