Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh

lang="vi"> Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh - UEH - ISB
Site icon UEH – ISB

Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh

Tuyển sinh Chương trình Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh

Tuyển sinh Chương trình Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh

TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH

Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (Doctor of Philosophy–PhD) là chương trình đào tạo bậc tiến sĩ của Viện ISB, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Chương trình giúp các Nghiên cứu sinh có được những kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học, cũng như kỹ năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, Nghiên cứu sinh có đủ khả năng để thiết kế, thực hiện và công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học hàn lâm quốc tế được xếp hạng trên SCOPUS và SSCI.

THỜI GIAN ĐÀO TẠO

Thời gian đào tạo trình độ Tiến sĩ là 04 năm.

NGÔN NGỮ ĐÀO TẠO

Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ đều bằng tiếng Anh.

Các yêu cầu đối với luận án tiến sĩ và điều kiện để bảo vệ luận án tuân thủ theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuyển sinh Chương trình Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh

Chương trình học

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, toàn thời gian với thời gian đào tạo là 4 năm tập trung liên tục, bao gồm 3 phần chính: Học phần tiến sĩ; Chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan và Luận án tiến sĩ và công trình công bố (bài báo khoa học).

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HỌC

Phần 1: Học phần tiến sĩ

Học phần tiến sĩ tập trung vào 3 vấn đề cơ bản của nghiên cứu khoa học trong kinh doanh để thực hiện luận án tiến sĩ có chất lượng. Phần này nhằm mục đích trang bị những kiến thức nền tảng sau.

1. Nhận thức luận khoa học: Đây là lĩnh vực nghiên cứu về bản chất của thực thể và lý thuyết tri thức khoa học.

2. Phương pháp nghiên cứu khoa học: Đây là lĩnh vực nghiên cứu về các phương pháp tạo ra tri thức khoa học.

3. Phương pháp và công cụ nghiên cứu khoa học: Đây là lĩnh vực nghiên cứu về các phương pháp và công cụ thực hiện nghiên cứu khoa học như các phương pháp thiết kế và đánh giá đo lường, các phương pháp xử lý số liệu,…

Học phần tiến sĩ bao gồm 5 môn học, mỗi môn học gồm 3 tín chỉ (tổng cộng 15 tín chỉ, trong đó 12 tín chỉ về chuyên môn và 3 tín chỉ về tiếng Anh).

Cụ thể: (1) Anh văn học thuật, (2) Thiết kế nghiên cứu, (3) Phân tích dữ liệu, (4) Xây dựng lý thuyết khoa học, và (5) một trong các môn thuộc phần Phương pháp nghiên cứu nâng cao, đó là: (1) Nền tảng triết lý của nghiên cứu khoa học, (2) Phân tích dữ liệu nâng cao trong nghiên cứu kinh doanh, (3) Thử nghiệm trong nghiên cứu kinh doanh.

Phần 2: Chuyên đề tiến sĩ và tiểu luận tổng quan

Chuyên đề tiến sĩ bao gồm 2 chuyên đề, mỗi chuyên đề 3 tín chỉ (tổng cộng 6 tín chỉ): Chuyên đề I về Lý thuyết về kinh doanh (Seminars on business theories) và Chuyên đề II về Phương pháp lựa chọn (Seminars on methodology and methods in business research).

Phần 3: Luận án Tiến sĩ

Luận án tiến sĩ là một nghiên cứu độc lập của Nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Lĩnh vực nghiên cứu cho luận án tiến sĩ thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu của Trung tâm ValCap (Center for the Study of Values and Capabilities in Business).

Trong quá trình thực hiện luận án, đặc biệt là sau khi bảo vệ đề cương nghiên cứu, Nghiên cứu sinh sẽ tham gia loạt báo cáo (seminars) về lý thuyết và phương pháp, bao gồm các báo cáo về những pháp triển mới về mặt lý thuyết và phương pháp trong ngành cũng như báo cáo kết quả nghiên cứu (doctoral colloquia) của Nghiên cứu sinh. Luận án tiến sĩ phải thể hiện được những điểm cơ bản về mặt nội dung và hình thức sau: 

  1. Thể hiện NCS nắm vững lý thuyết và phương pháp trong lĩnh vực đang nghiên cứu
  2. Vấn đề nghiên cứu là vấn đề trong kinh doanh chưa được giải quyết về mặt lý thuyết 
  3. Kết quả của luận án là một đóng góp mới về mặt lý thuyết và công bố được trên các tạp chí khoa học hàn lâm quốc tế có uy tín (thuộc ESCI/SSCI).

TUYỂN SINH

Thông tin tổng quan

Năm 2024, chỉ tiêu đào tạo trình độ Tiến sĩ của Viện ISB, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là 10 nghiên cứu sinh.

– Ngành đào tạo: Quản trị Kinh doanh.

– Mã số: 9340101

Điều kiện tuyển sinh

Người dự tuyển nghiên cứu sinh phải đáp ứng các điều kiện sau.

1. Về văn bằng

Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ ngành phù hợp hoặc bằng đại học loại giỏi trở lên ngành phù hợp.

2. Có năng lực nghiên cứu khoa học, được minh chứng bằng một trong những điều kiện sau:

a) Luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo thạc sĩ hướng nghiên cứu đã tốt nghiệp của người dự tuyển.

b) Hợp đồng làm việc hoặc Giấy xác nhận là giảng viên, nghiên cứu viên có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

c) Là tác giả 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện được xuất bản.

3. Có đủ năng lực ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án, thể hiện ở một trong các điều kiện sau:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

c) Có chứng chỉ trình độ tiếng Anh IELTS (Academic Test) 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 trở lên (do IIG, IIE hoặc các trung tâm do ETS ủy quyền cấp) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Hồ sơ tuyển sinh

a) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu).

b) Lý lịch khoa học có dán ảnh cá nhân (theo mẫu) được đơn vị công tác hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận, đóng dấu.

c) Một bản sao công chứng của các loại giấy tờ sau: Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học; Bằng và bảng điểm thạc sĩ; Bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ/Chứng chỉ ngoại ngữ.

d) Một trong những minh chứng kinh nghiệm nghiên cứu: 5 bản sao luận văn thạc sĩ hướng nghiên cứu đã tốt nghiệp; 5 bản sao bài báo đăng trên tạp chí khoa học/báo cáo khoa học tại hội thảo (gồm trang bìa, trang mục lục, toàn nội dung bài báo/báo cáo) và văn bản đồng ý cho sử dụng bài của đồng tác giả (nếu có đồng tác giả); Hợp đồng làm việc hoặc văn bản của cơ sở đào tạo/tổ chức khoa học công nghệ xác nhận là giảng viên, nghiên cứu viên có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên.

e) Đề cương nghiên cứu và kế hoạch học tập, nghiên cứu (theo mẫu).

f) 02 ảnh 4×6 của người dự tuyển ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh phía sau ảnh.

Trường hợp các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Quản lý chất lượng giáo dục (thông tin về đăng ký công nhận văn bằng do nước ngoài cấp xem tại VN-NARIC).

phương thức xét tuyển

Đánh giá người dự tuyển đào tạo tiến sĩ theo thang điểm 100, bao gồm đánh giá hồ sơ dự tuyển (40 điểm); đánh giá đề cương nghiên cứu (20 điểm) và phỏng vấn (40 điểm). Người dự tuyển được xếp loại đạt nếu phần hồ sơ đạt từ 20 điểm trở lên; phần đề cương nghiên cứu đạt từ 10 điểm trở lên và phần phỏng vấn đạt từ 20 điểm trở lên.

1. Đánh giá hồ sơ dự tuyển

Đánh giá hồ sơ dự tuyển, bao gồm các nội dung:

a) Văn bằng và kết quả đào tạo: Đánh giá văn bằng dựa trên uy tín của cơ sở đào tạo và kết quả học tập của người dự tuyển tại các bậc đại học và thạc sĩ.

b) Bài báo hoặc báo cáo khoa học: được đánh giá dựa trên mức độ uy tín của tạp chí hoặc hội nghị, hội thảo khoa học, sự phù hợp của bài báo với hướng nghiên cứu và chuyên ngành đăng ký dự tuyển của người dự tuyển, chất lượng bài viết

Chất lượng của luận văn thạc sĩ hướng nghiên cứu đã tốt nghiệp của người dự tuyển.

Kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của người dự tuyển và uy tín của cơ sở đào tạo/ tổ chức khoa học đang công tác.

c) Trình độ ngoại ngữ.

2. Đánh giá đề cương nghiên cứu

Chất lượng đề cương nghiên cứu: Được đánh giá dựa trên sự thuyết phục trong cách thức người dự tuyển đặt vấn đề nghiên cứu; mức độ sâu sắc và bao quát của phần tổng quan các lý thuyết và nghiên cứu có liên quan; tính khoa học của các phần mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu (rõ ràng), phương pháp nghiên cứu dự kiến (phù hợp), kế hoạch nghiên cứu (khả thi); sự trình bày chặt chẽ, logic và thuyết phục ở các nội dung khác…

3. Phỏng vấn

– Người dự tuyển trình bày về đề cương nghiên cứu và kế hoạch học tập, nghiên cứu, thực hiện luận án trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh. Các thành viên tiểu ban chuyên môn sẽ đặt các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá người dự tuyển về các mặt:

– Kiến thức: Mức độ nắm vững kiến thức ngành đăng ký dự tuyển; mức độ làm chủ dự định nghiên cứu, mức độ hiểu biết về bản chất vấn đề dự định nghiên cứu; sự am hiểu về yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu, các công cụ nghiên cứu trong ngành…

– Khả năng triển khai thực hiện nghiên cứu: Kế hoạch học tập và triển khai nghiên cứu nếu trúng tuyển, lý giải điểm mạnh, điểm yếu và sự chuẩn bị chung của người dự tuyển.

– Tư chất cần có của một nghiên cứu sinh: Bao gồm năng lực nghiên cứu khoa học (khả năng phân tích, tổng hợp, cách diễn đạt chặt chẽ, logic…); thái độ (động cơ, sự chín chắn, tự tin, quyết tâm theo đuổi chương trình học tập và nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ); tư duy phản biện và các phẩm chất khác (sự ham hiểu biết, tính sáng tạo, kỷ luật, tính trung thực, khả năng tổ chức sắp xếp công việc, khả năng nghiên cứu độc lập và tổ chức nhóm nghiên cứu, tính kiên định).

học phí, lệ phí xét tuyển

– Lệ phí dự tuyển: 1.650.000 đồng.

– Hồ sơ dự thi đầu vào: 120.000 đồng

Mức học phí đào tạo tiến sĩ đang áp dụng trong năm 2024 là 33.000.000 đồng/học kỳ.

thời gian tuyển sinh

– Thời gian đăng thông báo tuyển sinh: Tháng 08/2024.

đội ngũ giảng viên

Đội ngũ giảng viên hướng dẫn bao gồm các Giáo sư ngành kinh doanh, công tác tại các trường đại học trong và ngoài nước, giàu kinh nghiệm nghiên cứu và có nhiều công trình đã được công bố trên các tạp chí thuộc SSCI và Scopus.

Đăng ký tư vấn chương trình

Thông tin liên hệ tư vấn tuyển sinh

Bạn vui lòng cung cấp thông tin chi tiết trong biểu mẫu dưới đây để bộ phận tuyển sinh tiếp nhận và gọi điện thoại tư vấn trực tiếp.

Phòng tuyển sinh:

– Email: tuyensinh@isb.edu.vn
– Địa chỉ: Viện ISB, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh – 17 Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3.
– Điện thoại: (028) 3920 9999 (Ext 106)
Exit mobile version