Tạo ra sự khác biệt từ một mô hình kinh doanh cũ trên thế giới được TS. Lý Quí Trung xem đó là “tuyệt chiêu” giúp chuỗi nhượng quyền Phở 24 thành công.
Chia sẻ trong tập cuối chuỗi tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học”, TS. Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia) kể về hành trình xây dựng thương hiệu đầu tiên của mình. Từng chia sẻ tại nhiều talkshow, tuy nhiên, câu chuyện tại UniPrep là góc nhìn rất khác sau hơn 10 năm ông rời khỏi doanh nghiệp khởi nghiệp của mình.
“Thời gian đang điều hành và trải nghiệm nhìn lại rất khác nhau”, ông khẳng định.
Bàn về chủ đề “Những điều Harvard không dạy doanh nhân đương đại”, TS. Lý Quí Trung nhận định, nhà trường có thể đào tạo người trẻ kỹ thuật nhưng không thể dạy khát khao kinh doanh. Điều này cần được truyền cảm hứng, “gieo mầm” trong tư duy của mỗi người.
Ý tưởng xây dựng mô hình kinh doanh Phở 24 đến từ thời ông còn là sinh viên tại Australia. Lần đầu tiên đặt chân ra nước ngoài, ấn tượng đầu tiên của ông là chuỗi cửa hàng KFC hay McDonald’s có mặt ở khắp mọi nơi. Khi đó, ông tự hỏi tại sao Việt Nam không có chuỗi nhà hàng hay mô hình nhượng quyền để lan tỏa thương hiệu đến các quốc gia khác như vậy.
Thời điểm đó, TS. Trung học ngành Quản trị khách sạn, nhà hàng. Ông xin vào McDonald’s tham quan, từ nhà bếp và không khỏi ngạc nhiên khi thấy quá trình vận hành khoa học, bài bản. Các cửa hàng này cũng không giấu nghề bởi lan tỏa thương hiệu là đích đến của họ.
“Một ngày nào đó, khi học xong, tôi sẽ xây dựng một chuỗi nhà hàng Việt bài bản để phủ khắp Việt Nam và nhân rộng ra thế giới”, ông ghi chép lại những suy nghĩ của mình sau những lần quan sát McDonald’s. Khát khao xây dựng một chuỗi nhà hàng Việt Nam theo ông trong suốt nhiều năm và lớn dần theo thời gian.
Khi đủ “thiên thời, địa lợi” ông hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thời sinh viên, song gặp khó ngay từ bước đầu: thuyết phục mọi người xung quanh ủng hộ. Ví dụ, đối với người chủ mặt bằng cho tiệm phở đầu tiên cũng chưa đủ tin tưởng ông. Thậm chí họ còn tỏ ra lo ngại liệu ông Trung có thể trang trải được tiền thuê một căn nhà ngay trung tâm TP HCM chỉ bán phở. Kết quả, không chỉ đồng ý cho thuê mặt bằng, chủ nhà và họ hàng còn là khách hàng thân thiết của quán phở.
Thu xếp xong phần địa điểm, ông Trung lại đau đầu với bài toán tuyển dụng nhân tài. “Một doanh nghiệp lớn dễ dàng chiêu mộ người tài bằng giá trị và uy tín sẵn có. Thế nhưng, với một cửa hàng phở còn nằm ở ý tưởng, điều này không dễ dàng”, vị doanh nhân nói.
Nhìn lại chặng đường kinh doanh gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết, ông Trung đúc kết: Khát khao lớn phải song hành với đam mê. Hai điều này thể hiện trong từng câu nói, hành động và ánh mắt. Đây cũng là chìa khóa giúp ông thành công chiếm được lòng tin từ gia đình, cộng sự, đối tác.
“Đó là điều rất quan trọng đối với một doanh nhân, dù các trường đại học không dạy nhiều. Các bạn trẻ cần được nhận sự chia sẻ và truyền cảm hứng từ doanh nhân đi trước”, nam diễn giả nói thêm.
Để lý giải về sự thành công của thương hiệu Phở 24, TS. Lý Quí Trung cho rằng đó là sự khác biệt. Thương hiệu này đã tạo nên sự khác biệt với số đông thị trường lúc bấy giờ, từ mô hình kinh doanh đến giá thành sản phẩm.
Khi đó, tại Việt Nam, mô hình nhượng quyền thương hiệu còn rất mới, kiến thức và pháp luật còn nhiều hạn chế. Việc đưa một món ăn bình dân như phở vào một nhà hàng sang trọng, bày trí đẹp mắt được xem là “đi ngược số đông” của Phở 24.
Để đưa một mô hình kinh doanh vốn phổ biến ở nước ngoài vào Việt Nam, doanh nhân sinh năm 1966 đã linh động, điều chỉnh để phù hợp với thị trường. Thay vì chỉ nhượng quyền đơn thuần, ông đã đầu tư cùng đối tác ít nhất 30%. Nhờ đó, ông có thể đồng hành sâu sát hơn, đồng thời, có quyền tự do trong kiểm soát mô hình kinh doanh.
“Đây cũng là một tuyệt chiêu để uyển chuyển, điều chỉnh hình thức nhượng quyền trên thế giới sao cho phù hợp với Việt Nam”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, chiến lược về giá cũng là một điểm tạo nên thương hiệu Phở 24 so với các cửa hàng cùng lĩnh vực. TS. Lý Quí Trung định giá một bát phở là 24.000 đồng, cao gấp đôi với mặt bằng chung thị trường. Dù vậy, lượng khách tới cửa hàng vẫn rất đông.
Ông phân tích, các định giá theo công thức phổ biến trên thị trường ẩm thực là chi phí thực phẩm chiếm khoảng 30-35% trên giá thành bán ra không thể đáp ứng được chi phí thuê mặt bằng, chất lượng không gian và nhân công hàng đầu. Do đó, Phở 24 tính giá bán ra dựa vào túi tiền hay ngân sách của đối tượng khách hàng mục tiêu.
“Mức giá 24.000 đồng lúc đó tuy rất cao lại trở nên rẻ”, ông nói thêm.
Như vậy, người kinh doanh cần có sự khác biệt, đồng thời, biến đổi linh hoạt dựa kiến thức nền tảng và hiểu biết thực tiễn để tạo nên mô hình phù hợp với thói quen tiêu dùng của đối tượng muốn hướng đến.
“Dù tạo ra mô hình kinh doanh hay đưa từ thế giới vào, người khởi nghiệp đều cần có dấu ấn cá nhân, điều chỉnh để phù hợp với thị trường Việt Nam trong bối cảnh đương đại”, ông nhấn mạnh.
“UniPrep – Sắp vào đại học” là chuỗi sự kiện đồng tổ chức bởi Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM và báo điện tử VnExpress nhằm cung cấp thông tin để học sinh có thêm kiến thức cụ thể về ngành học tương lai, giúp phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành chọn trường cùng con.
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề “nóng” về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.