Góp mặt trong ba tập “UniPrep – Sắp vào đại học”, TS. Lý Quí Trung khuyên doanh nhân trẻ nên phát triển tư duy sáng tạo, chấp nhận thất bại và nuôi dưỡng khát khao lớn.
Theo TS. Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia), trong những năm tới, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, thay đổi nhanh chóng, khó đoán trước bởi tác động của Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông cho rằng, việc khởi nghiệp trong bối cảnh có nhiều thay đổi, khó đoán thế này cũng là một điều thú vị. “Cũng như đầu tư chứng khoán, khi ổn định quá, nhà đầu tư khó có khả năng tạo nên lợi nhuận đột biến. Startup cũng vậy, càng biến đổi càng phát sinh nhiều nhu cầu mới, càng nhiều cơ hội thành công đột phá”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, trong tương lai, con người sẽ phải cạnh tranh với con người và cả sự tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Những công việc lặp đi lặp lại sẽ chỉ cần máy móc thực hiện. Do đó, người trẻ cần có sự chuẩn bị về năng lực và bộ kỹ năng phù hợp để thích nghi với bối cảnh.
Sáng tạo là “chìa khóa” thành công
Ông Trung cho biết, trong giới kinh doanh, sáng tạo là yếu tố hàng đầu. Thậm chí, với bối cảnh hiện nay, dù làm ngành nghề gì, người trẻ cũng cần kỹ năng này. Theo ông, sáng tạo tức là nhìn mọi vấn đề từ nhiều góc độ. Các công việc trong 9-10 năm nữa sẽ đổi mới hoàn toàn. Vì vậy, nếu vẫn nhìn nhận, hành động theo một khuôn mẫu đã được đào tạo trước đó, người trẻ rất dễ bị đào thải.
“Học là một chuyện, học thế nào để thay đổi, đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường mới là chìa khóa thành công”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nếu nói sáng tạo chung chung, gần như ai cũng biết đó là quan trọng. Tuy nhiên, việc thật sự đánh thức điều đó trong tư duy là một thách thức rất lớn. Do môi trường mới biến đổi không ngừng, người trẻ cần có tư duy sẵn sàng thay đổi.
Với bối cảnh mới, người chủ hay nhân viên đều cần cũng phải có tư duy của một nhà kinh doanh. Nếu chỉ làm theo ý của người khác, người lao động sẽ bị coi là không đạt yêu cầu. Các bạn sẽ dễ đạt được thành công hơn nếu có những cách làm sáng tạo, nghĩ cho người khác nhiều hơn.
Tính sáng tạo còn giúp doanh nhân tạo nên điều khác biệt trong kinh doanh. TS. Trung cho biết, người khởi nghiệp hiện nay rất nhiều nhưng số thành công lại rất ít. Những người thành công hầu như là người biết suy nghĩ khác so với số đông. Tuy nhiên, không phải lúc nào, người kinh doanh cũng cần đi ngược lại. Sự sáng tạo phải dựa trên cơ sở kiến thức, hiểu biết đã xây dựng trong quá trình học tập.
Ngoài ra, các kỹ năng mềm khác như giao tiếp, tâm lý, chịu đựng tốt… cũng rất quan trọng với người khởi nghiệp. “Nếu không có những điều này, con người khó có thể cạnh tranh với máy móc công nghệ hiện đại ngày nay”, ông nói thêm.
Biết cách đối mặt với thất bại
Trong kinh doanh, thất bại là điều rất dễ vấp phải bởi rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khả năng chịu được vấp ngã là không thể thiếu. Ông từng gặp nhiều bạn trẻ choáng váng chỉ sau một lần thất bại. Trong cuộc đời của một người doanh nhân không có ai suôn sẻ. Sự thành bại phụ thuộc rất nhiều vào cách người khởi nghiệp tồn tại và vượt qua khó khăn như thế nào.
“Khi mình hiểu thất bại là một phần của cuộc chơi thì khi xảy ra, mình sẽ xem nó nhẹ hơn, có sự chuẩn bị tinh thần, tiếp tục học hỏi và vượt qua để thành công”, ông nói thêm.
Ông cũng cho rằng, một người kinh doanh có tầm nhìn đúng đắn sẽ luôn có sự chuẩn bị cho thất bại, từ đó, điều chỉnh kỳ vọng phù hợp. Lúc này, dù va vấp, các bạn trẻ cũng có thể dễ dàng đứng dậy và sửa chữa sai lầm.
“Thất bại chỉ thực sự là thất bại nếu chúng ta ‘ngã’ về phía sau. Còn khi bạn có thể đi về phía trước, đó chỉ là một bài học. Người kinh doanh hơn nhau ở thái độ chấp nhận rủi ro”, ông khẳng định.
Khát khao lớn
Sự phát triển của công nghệ vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho người trẻ. Theo ông Trung, với một thế giới phẳng, ranh giới quốc gia được xóa mờ nhờ công nghệ, các bạn trẻ hoàn toàn có thể nghĩ lớn ra thị trường thế giới hoặc phát triển song song trong và ngoài nước.
Khi chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, nếu có khát khao lớn và có thể thể hiện điều đó với mọi người xung quanh, người khởi nghiệp có thể xây dựng một đội ngũ nhân tài, thậm chí các đối tác lớn. Thời điểm thành lập thương hiệu đầu tiên – Phở 24, chính khát khao xây dựng một chuỗi nhà hàng chuyên nghiệp, bành trướng khắp thế giới đã giúp ông thành công thuyết phục cộng sự, đối tác cho thuê mặt bằng và chuyển nhượng kinh doanh.
“Khi khởi nghiệp, dù phải đi từng bước nhỏ, khát khao chắc chắn vẫn phải lớn”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, yếu tố này cần có sự cân bằng với lý trí. Một người kinh doanh thành công là không để khát khao chủ quan của mình lấn át sự tính toán thực tế. Kỹ thuật, kiến thức nền tảng là điều không thể thiếu đối với người khởi nghiệp.
Nếu thiếu điều này, cuộc khởi nghiệp sẽ giống như một căn nhà xây nên với nền móng không vững. Ví dụ một sản phẩm đi trước thị trường quá sớm, bản thân người khởi nghiệp nghĩ ý tưởng của mình rất lý tưởng nhưng ở ngoài thị trường, người tiêu dùng lại không đánh giá cao hoặc quá sớm hay trễ với nhu cầu.
“Sự đam mê, tin tưởng và chủ quan thái quá là ‘bẫy chết người’ trong kinh doanh. Đam mê là tốt, phải có nó mới có nhiệt huyết nhưng, chúng ta cũng phải chú ý phần thực tế, lý trí”, ông nói thêm.
Để cân bằng tốt trong kinh doanh, các bạn trẻ nên học hỏi kỹ thuật, kiến thức từ nhà trường, sách báo hay những người đi trước, đồng thời, luôn giữ tư duy phản biện trong mọi tình huống. Người khởi nghiệp cần tự hỏi ngược lại chính mình và những người xung quanh để có góc nhìn khách quan nhất.