Khả năng sáng tạo, dám thất bại, khát khao học tập suốt đời… là nền tảng để các doanh nhân trẻ thành công trong thời đại số, theo các chuyên gia.
Toạ đàm UniPrep số thứ 5 với chủ đề “Đào tạo doanh nhân 4.0” có sự tham gia của TS. Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia và TS. Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư U&I (UniGroup).
Tại toạ đàm, các chuyên gia cùng thảo luận về đào tạo người trẻ để trở thành một doanh nhân trong bối cảnh mới với nhiều thách thức và cơ hội.
Cụ thể, TS. Lý Quí Trung nhấn mạnh đến kỹ năng sáng tạo, uyển chuyển và khả năng chịu đòn tốt mà một người trẻ cần có để thành công. Ông cho rằng khi tình hình có nhiều biến động, suy nghĩ và hành động của bạn phải thật nhanh và linh hoạt. “Tôi rất thích câu nói ‘phải uyển chuyển như nước’. Trong thời buổi hiện tại, mình phải sẵn sàng thay đổi”, Tiến sĩ Trung chia sẻ.
Tiếp theo là khả năng chịu đòn, nói cách khác là biết cách thất bại. Để làm rõ điều này, ông Trung dẫn giải: “khi ngã, hãy ngã ra phía trước, không ngã ra phía sau”. Ngã ra phía trước là mình bật dậy, đi tới, mang nghĩa tích cực, mình lấy đó làm bài học. Còn ngã ra phía sau là mình chấm dứt.
Trên con đường đi của doanh nhân nói chung, đặc biệt là bối cảnh hiện nay, khả năng chịu được vấp ngã là rất quan trọng. Tiến sĩ Trung cho biết từng gặp nhiều bạn trẻ vấp một lần là choáng váng. “Thời buổi này, việc biết cách chấp nhận thất bại, lấy đó làm bài học là điều hết sức quan trọng”, ông nói.
Cũng theo Tiến sĩ, trong cuộc đời của một doanh nhân, không có ai suôn sẻ hết. Thành công thì ít, thất bại rất nhiều. Sự thành công hay thất bại phụ thuộc nhiều vào việc tồn tại và vượt qua khó khăn như thế nào.
Trong khi đó, TS. Mai Hữu Tín chia sẻ có những chuyện không bao giờ cũ, đơn cử năng lực nhìn nhận bản thân để có thay đổi đúng luôn luôn là câu chuyện quan trọng. Nhiều bạn trẻ ngày nay thiếu năng lực này.
Thứ hai là năng lực học tập suốt đời. Theo ông mỗi bạn trẻ nên tự thấy không bao giờ có điểm dừng trong hành trình tự hoàn thiện bản thân và làm bản thân có ích hơn. Ông Tín nhấn mạnh đây là kỹ năng doanh nhân trẻ cần phải có.
“Tôi cũng mong muốn các bạn trẻ phải biết làm ‘toán chia’. Nếu chỉ làm ‘toán cộng’, ‘toán nhân’ cho bản thân, các bạn sẽ không thể có một đội ngũ tốt, vận hành được một doanh nghiệp lớn mạnh”, ông nói thêm.
Ông Tín đưa ra dẫn chứng cụ thể về trường hợp hai người tốt nghiệp cùng trường, có bằng cấp tương tự, cùng cố gắng nhưng khi vào cùng doanh nghiệp vẫn có khả năng một người thành công hơn.
“Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, muốn làm lãnh đạo cần có khả năng lãnh đạo, tức quy tụ mọi người cùng thực hiện mục tiêu đề ra. Điều này nhà trường không thể đào tạo 100%”, ông Tín nói và cho biết khả năng lãnh đạo thể hiện ở cách họ đưa kiến thức và đời sống thực, phải có thái độ đúng, có lửa lớn trong lòng để mọi người đi theo.
Ngoài ra, người làm lãnh đạo cần có các cá tính khác như khả năng chấp nhận rủi ro, dấn thân, khát khao làm những điều to lớn cho cuộc sống. Có những người họ chỉ có niềm vui khi đối mặt với thách thức lớn. Như vậy, điều này nhà trường cũng không hẳn đào tạo.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng theo ông Tín là tinh thần phụng sự xã hội. “Nếu các bạn chỉ đam mê tiền, chỉ đặt mục tiêu về tiền mà quên đi tinh thần phụ sự xã hội, tôi không đánh giá cao người này”, Chủ tịch Hội đồng quản trị UniGroup chia sẻ.
Cuối toạ đàm, Tiến sĩ Lý Quí Trung gửi gắm tới các bạn sinh viên – những doanh nhân tương lai: “Kinh doanh bản chất là kiếm tiền nhưng đừng kiếm bằng mọi giá và đừng đem chuyện kiếm tiền làm mục tiêu của doanh nghiệp. Đừng chạy theo xu thế. Bạn cần chú trọng vào giá trị đem lại cho cuộc sống, sáng kiến – giải pháp gì tốt cho xã hội, con người. Rồi tài chính sẽ là kết quả, chứ không phải mục tiêu”.
Cũng theo ông, để kinh doanh thành công, các bạn hãy nghĩ ra sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội, thậm chí thay đổi thế giới. Tiếp theo là cố gắng cân bằng cuộc sống. Có rất nhiều điều tốt đẹp bên cạnh kinh doanh và kinh doanh không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công.
“Con đường kinh doanh rất cực khổ nhưng cũng mang đến phần thưởng to lớn về vật chất, tinh thần. Hãy nhìn nhận đúng. Khi niềm đam mê đủ lớn, đủ điều kiện thì hãy bước ra thương trường với một ý tưởng kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ đem lại giá trị cho xã hội”, Tiến sĩ Trung cho hay.
Còn theo ông Tín thực tế, kinh doanh ở Việt Nam hay thế giới đều có tỷ lệ thành công rất thấp. Theo ông quan sát, tỷ lệ kinh doanh thành công của Việt Nam trong những năm gần đây không quá 5%. Như vậy, các bạn cần cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định. Ông cũng cho rằng, tiền chỉ là sản phẩm phụ của quá trình làm được điều thú vị cho cuộc đời. Thực tế, rất nhiều người kinh doanh thành công cần bắt đầu từ “mục đích” – chữ “why” rồi đến “how”, cuối cùng mới “what”.
“Nếu xác định không đủ tố chất để kinh doanh, bản lĩnh chấp nhận sóng gió, không đủ trái tim lớn để sẻ chia, các bạn nên chọn làm thuê. Việc này cũng không xấu và hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập không kém người làm chủ”, Tiến sĩ Tín nhấn mạnh.