Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hội nhập, ngành Kinh doanh Quốc tế nổi lên những năm gần đây là minh chứng cho sự triển vọng của các ngành nghề đang trong thời kỳ vươn ra thế giới. Ngành học Kinh doanh quốc tế đang dần trở thành sự lựa chọn hấp dẫn cho nhiều bạn trẻ, tuy nhiên, dù cái tên nghe thật “kiêu”, không nhiều bạn trẻ thật sự hiểu được ngành Kinh doanh Quốc tế cụ thể sẽ học như thế nào và ra trường có những mảng công việc nào thích hợp.
Kinh doanh quốc tế là gì?
Trước hết, để hiểu sâu hơn về ngành này ta cần hiểu khái niệm “Kinh doanh quốc tế” là gì. Kinh doanh quốc tế (hay International Business) là toàn bộ các hoạt động giao dịch kinh doanh được thực hiện giữa các quốc gia, nhằm thoả mãn các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân và các tổ chức kinh tế. Đây là một công việc giao dịch giữa nước này với nước khác, quốc gia này với quốc gia khác, là một lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu thuộc nhóm ngành kinh doanh, cung cấp những kiến thức chung về quản trị kinh doanh, về chiến thuật, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia.
Triển vọng của ngành Kinh doanh quốc tế?
Với kế hoạch mở rộng kinh doanh xuất nhập khẩu, cả doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài đều có nhu cầu tuyển dụng những cử nhân kinh doanh quốc tế. Nhân sự ngành này có rất nhiều lựa chọn về việc làm, đảm nhận rất nhiều vị trí khác nhau ở các công ty và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
Hơn nữa, hiện nay nhân sự ngành này chỉ mới đáp ứng hơn 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Ngành Kinh doanh Quốc tế được đánh giá rất có triển vọng trong cơ hội tìm kiếm việc làm đối với sinh viên vì tình trạng thiếu hụt nhân lực còn chưa được giải quyết.
Cơ hội nghề nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế sinh viên Cử nhân Tài năng ISB BBUS
Với mạng lớn hợp tác cùng các trường Đại học uy tín trên toàn cầu, Viện ISB – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hiểu được nhu cầu lớn của thị trường quốc tế về nhân lực của ngành này.
Ở chương trình Cử nhân Tài năng ISB BBUS ngành Kinh doanh quốc tế của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, sinh viên được rèn luyện ngay từ năm nhất những kiến thức về kinh doanh căn bản.
Chương trình đại học chính quy được đào tạo hoàn toàn 100% tiếng Anh thử thách sinh viên phải tự tìm hiểu, học hỏi và tự gây dựng cho mình vốn kiến thức để có thể tiếp thu kiến thức của hệ đào tạo giáo dục quốc tế. Hơn nữa, khả năng làm việc nhóm và thuyết trình là 2 kỹ năng không thể thiếu của một sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế vì yêu cầu của ngành về khả năng giao tiếp và hòa nhập.
Với sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế hệ Cử nhân Tài năng của viện ISB, những công việc khi ra trường sinh viên có khả năng nắm chắc trong tay bao gồm:
- Xuất nhập khẩu: Trên thực tế, từ năm 2016, rất nhiều các hiệp định kinh tế được ký kết như hiệp định TPP, WTO… sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng vượt trội. Cùng với nó là sự phát triển của ngành xuất nhập khẩu.
- Ngành Logistic: Công việc của ngành logistic là xử lý quy trình khép kín từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng là người tiêu dùng. Nhờ có sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc mua sắm trực tuyến, không phân biệt khoảng cách địa lý, đang ngày càng phổ biến, đòi hỏi sự phát triển của ngành logistic/ hậu cần hơn bao giờ hết.
- Ngành Marketing: Sự bùng nổ của Google, Facebook,… đã khiến cho nhu cầu tiếp thị trực tuyến càng phát triển mạnh. Hiệu quả của hoạt động bán hàng của mọi tổ chức kinh doanh trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn từ marketing và nó còn chi phối cả hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2020 sẽ cần đến 10.000 lao động ngành này trở lên.
- Ngành Kinh doanh: Một sinh viên Cử nhân Tài năng được đào tạo để làm nhà lãnh đạo. “Khởi nghiệp” là cụm từ quá quen thuộc với mọi người trong những năm gần đây ở Việt Nam. Là một sinh viên học ngành Kinh doanh quốc tế của Viện ISB, bạn hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đứng ra xây dựng một doanh nghiệp cho riêng mình.
Nhân lực để làm việc của Việt Nam có rất nhiều, nhưng nhân lực có chuyên môn và trình độ cao hoặc bằng cấp quốc tế lại rất ít. Điều kiện cần là cơ hội việc làm nhờ nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tăng cao. Vậy ngoài kiến thức vững chắc, sinh viên cần phải trau dồi và rèn luyện thêm các kỹ năng ngoại ngữ, tư duy logic, phản biện và khả năng giao tiếp, diễn thuyết để có thể chuẩn bị vững chắc hành trang của mình vào thương trường quốc tế.