Ngày nay, Tiếng Anh đã trở thành sinh ngữ phổ biến nhất trên thế giới và được áp dụng rộng rãi vào xét tuyển đại học hay học tập, làm việc nói chung không chỉ ở môi trường quốc tế mà còn trong nước. Vì lẽ đó, những học sinh sinh viên khá giỏi tiếng Anh sẽ có được những lợi thế nhất định trong việc xét tuyển đi học, đi làm.
Cụ thể, theo quy chế tuyển sinh mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2017, Bên cạnh những đối tượng thuộc diện ưu tiên tuyển thẳng trong quy chế tuyển sinh, nhiều trường Đại học đã mở rộng cơ hội tuyển thẳng đối với các thí sinh sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế 6.5 IELTS trở lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia đối với học sinh đạt chứng chỉ từ 4.0 IELTS.
Ngoài ra, nhiều trường đại học tại Việt Nam như ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Hàng hải… đều miễn thi học phần tiếng Anh nếu sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong thời hội nhập này, nếu không có tiếng Anh sẽ không làm gì được. Việc các trường dần coi trọng tiêu chí môn tiếng Anh trong tuyển sinh cũng là thực hiện triết lý đào tạo này.
“Nếu giỏi tiếng Anh, sinh viên có thể tham gia các khóa học không biên giới trên mạng. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp có năng lực tiếng Anh tốt thì lương sẽ cao gấp đôi, có cơ hội tốt hơn và tiến xa trong thị trường lao động ngoài nước” – ông Dũng nói.
Xét tuyển Đại học Ngoại thương:
Trường ĐH Ngoại thương – một trong những trường đại học trong nước được đánh giá cao về chất lượng đào tạo – năm nay cũng mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới – xét tuyển kết hợp. Phương thức xét tuyển kết hợp của ĐH Ngoại thương được áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Cụ thể, trường kết hợp giữa xét tuyển điểm trung bình học tập các năm học phổ thông và điểm thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển): IELTS đạt 6,5 trở lên, hoặc TOEFL ITP đạt 550 trở lên, hoặc TOEFL iBT 90 trở lên, hoặc giải ba quốc gia môn Tiếng Anh trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPTQG năm 2018 (không bao gồm điểm ưu tiên xét tuyển) trong tổ hợp môn xét tuyển của trường (trong đó có môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 16 điểm trở lên.
Như vậy, điểm thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được Trường ĐH Ngoại thương đưa vào là một trong những điều kiện xét tuyển vào trường.
Xét tuyển Đại học Kinh tế TP.HCM:
Đại học Kinh tế cũng áp dụng tuyển những học sinh có bằng IELTS đủ chuẩn kết hợp với điểm trung bình học tập các năm học phổ thông vào diện tuyển thẳng cho tất cả các ngành. Học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) đạt IELTS 6,0 trở lên (hoặc TOEFL iBT từ 60 điểm trở lên) và Điểm trung bình học lực 03 năm THPT lớp 10, 11, 12 từ loại Khá trở lên. Ngoài ra, sinh viên có IELTS 5.5 còn đủ tiêu chuẩn dự tuyển Chương trình Cử nhân Tài năng của Viện ISB – Đại học Kinh tế.
TS Trần Thế Hoàng – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết: “Hiện nay, nhiều ngành/chuyên ngành có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên nhà trường có chú trọng tiêu chí về tiếng Anh trong tuyển sinh.
Nhà trường cũng có chính sách khuyến khích thí sinh xét tuyển thẳng đạt điểm IELTS cao, với IELTS 8.0 trở lên được trao học bổng toàn phần 1 năm học; IELTS 7.0 trở lên được học bổng toàn phần 1 học kỳ”.
Xét tuyển Đại học Y Dược TP.HCM:
Ở phương thức 2 của Đại học Y Dược TP.HCM – xét tuyển kết hợp (áp dụng đối với ngành y đa khoa và dược học với 25% chỉ tiêu của từng ngành), nhà trường quy định điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là thí sinh phải đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ) đạt IELTS 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 60 trở lên. Đơn vị cấp chứng chỉ: TOEFL iBT: Educational Testing Service (ETS); IELTS: British Council (BC); International Development Program (IDP).
Xét tuyển Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM:
Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dành tối đa 10% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển thẳng tất cả các ngành hệ đại trà và chất lượng cao thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2019 đạt điểm IELTS quốc tế từ 5.0 trở lên hoặc tương đương (TOEFL, TOEFL iBT,TOEIC,…) và có điểm trung bình học bạ trong năm học kỳ (không tính học kỳ 2 lớp 12) từng môn theo tổ hợp từ 6.0 trở lên.
Xét tuyển Đại học Bách Khoa TP.HCM:
Năm nay, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc Gia TP.HCM) cũng tuyển 14 ngành ĐH chính quy chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào (điểm kiểm tra theo định dạng IELTS 6.0) để được học các môn thuộc năm 1, 2 và phải đạt chuẩn tiếng Anh chính thức (IELTS 6.0 hoặc TOEFL iBT 79) để được học các môn thuộc năm 3, 4 và xét tốt nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, các trường ĐH đặc biệt là các trường tốp trên, đã và đang xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, áp dụng phương pháp giảng dạy mới theo hướng sáng tạo dựa trên công nghệ, tăng cường tiếng Anh. Do đó, yêu cầu về năng lực tiếng Anh đối với sinh viên là điều kiện quan trọng, nên các trường chuyển thành tiêu chí bắt buộc trong tuyển sinh. Điều này giúp các thí sinh giỏi tiếng Anh có thêm nhiều cơ hội khi xét tuyển và các trường, ngành học có tính cạnh tranh cao.
>> Xem thêm Chương trình Cử nhân Tài năng ISB BBUS <<