Site icon UEH – ISB

10 bước chinh phục lĩnh vực viết Case Study bằng ngòi bút sắc bén

10 bước viết Case Study

10 bước viết Case Study

“Học đi đôi với hành” luôn là phương pháp giảng dạy được giảng viên ISB chú trọng. Cụ thể hơn, sinh viên UEH-ISB sẽ học thông qua Case Study và đặt mình vào vị trí của nhà kinh doanh để “thực tập” cách tư duy. Tuy nhiên, một Case Study thực tế, đủ tính “thách đố” cần quá trình nghiên cứu dày công. Vì vậy, Viện ISB mời bạn đọc khám phá 10 bước để trở thành ngòi bút Case Study chuyên nghiệp do Giáo sư David  Wernick đề xuất.

Giai đoạn 1 (Pre-Interview): Để trở thành “người săn tin” thực thụ – “Bí thuật” chọn đề tài và phương thức tiếp cận Case Study

Bước 1: Khảo sát đề tài (The Scouting Process)

Một đề tài hay là “đòn bẩy” nâng tầm Case Study và kích thích các cuộc tranh luận sôi nổi. Chính vì vậy, Giáo sư Wernick khuyến khích giảng viên khám phá các trang báo kinh doanh để tìm ý tưởng. Thầy gợi ý người viết có thể tìm hiểu những khía cạnh đắt giá như câu chuyện kinh doanh thú vị, ý tưởng vận hành sáng tạo hoặc một giải pháp đột phá nhằm giải quyết thách thức của  doanh nghiệp.

Bước 2: Tìm kiếm cơ hội tiếp cận (Gaining Access)

Sau khi người viết xác định rõ đề tài, bước tiếp theo là sắp xếp một buổi phỏng vấn để khai thác tư liệu thực hiện Case Study. Giáo sư khuyến khích giảng viên tận dụng mạng lưới mối quan hệ để kết nối với nhân tố phỏng vấn tiềm năng. 

Bước 3: Đặt vấn đề và lời mời tham gia phỏng vấn (The Approach)

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, bên cạnh lời ngỏ thiện chí, thư mời sẽ thêm thuyết phục nếu người viết cam kết thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn gọn, vì các nhân sự cấp cao rất bận rộn. 

Ngoài ra, lời mời phỏng vấn sẽ có “sức nặng” hơn khi đi kèm với những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ có được khi tham gia dự án nghiên cứu. Giảng viên có thể nhấn mạnh rằng Case Study sẽ được dạy rộng rãi tại các trường đào tạo Kinh doanh trên toàn thế giới. Không chỉ vậy, một cách tiếp cận khéo léo còn có thể mở ra buổi gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo và sinh viên. Giảng viên có thể mời các quản lý cấp cao tham gia buổi thuyết trình cuối khóa để góp ý cho phương án giải đề của sinh viên. Kết quả mãn nhãn của cách tiếp cận này là “một mũi tên trúng hai đích”. Sinh viên vừa được cọ xát với phản hồi thực tế của doanh nghiệp, các quản lý vừa có dịp lắng nghe và phát hiện ý tưởng tiềm năng.

Tuy nhiên, quá trình khai thác tài liệu cần hạn chế đề cập đến những thông tin kinh doanh bảo mật và các vấn đề nhạy cảm của doanh nghiệp.

Giáo sư Wernick và giảng viên trao đổi về cách đặt lời mời phỏng vấn Case Study
Giáo sư Wernick và giảng viên trao đổi về cách đặt lời mời phỏng vấn Case Study

Bước 4: “Nhập môn” phỏng vấn (The Big Interview)

Người viết sẽ thiếu tự tin khi đối mặt với nhân vật cấp cao nếu “ra trận” không mang “vũ khí”. Chính vì vậy, giảng viên cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức về thông tin công ty, thông tin ngành và các thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải để có những câu hỏi đắt giá. 

Bên cạnh đó, buổi phỏng vấn sẽ thoải mái hơn khi người viết tạo không gian như một cuộc trò chuyện thân tình. Vì vậy, phương pháp ghi âm sẽ tự nhiên hơn cách ghi chú thủ công. 

Giai đoạn 2 (Post – Interview): Hậu kỳ hoàn chỉnh Case Study – Không gian phát huy của “ngòi bút tài năng”

Bước 5: Kiểm tra nội dung phỏng vấn (Take Inventory)

Sau buổi phỏng vấn, bước tiếp theo là điểm lại các thông tin chính. Từ đó, người viết sẽ quyết định nội dung bài học cần truyền đạt đến sinh viên thông qua mỗi Case Study.

Bước 6: Sắp xếp cấu trúc bài viết (Get Organized)

Bắt tay vào viết ngay sau khi phỏng vấn là lỗi mà người viết có thể gặp phải. Ở bước này, thầy Wernick đề nghị giảng viên bắt đầu soạn thảo nội dung chính (outline) theo cấu trúc hoàn chỉnh và hợp lý. 

Các giảng viên nghiên cứu các Case Study do Giáo sư Wernick thực hiện

Bước 7: Phát triển câu chuyện cho phần Mở bài và Kết bài (Develop the Narrative with First & Last Paragraphs)

Giáo sư Wernick cho rằng “câu chuyện” là yếu tố quan trọng mà người viết cần dành nhiều thời gian để xây dựng cho Case Study. Điều tiên quyết cần đạt được là một phần mở đầu lôi cuốn và phần kết luận đúng trọng tâm.

Phần mở bài chính là màn “chào sân” ấn tượng. Ở đây, người viết sẽ kể câu chuyện về nhân vật chính, bối cảnh thị trường, và tiết lộ những thách thức trong ngành mà các lãnh đạo đang đối diện. 

Sau lời mở đầu thu hút, đoạn kết luận cần tóm gọn vấn đề và đưa ra những luận điểm mang tính quyết định để sinh viên giải bài đúng hướng.

Bước 8: Tiếp tục phát triển phần còn lại của bài viết (Write the Rest of the Draft)

Đây là bước hoàn thiện bản nháp cho Case Study. Giáo sư ví von phần nội dung này là không gian lý tưởng để “Shakespeare” trong mỗi người viết trỗi dậy. 

Bước 9: Chỉnh sửa và hoàn thiện bài viết (Revise)

Đường về đích sắp đến, đây là thời điểm người viết cần mang “đứa con tinh thần” đến giới chuyên môn và tổng hợp nhận xét từ họ. Sau đó, giảng viên chọn lọc các góp ý và chỉnh sửa. Khi bài viết đủ độ “chín muồi” chính là lúc ấn phẩm tâm huyết sẵn sàng ra lò.

Bước 10: Hoàn thành tài liệu giảng dạy (The Teaching Note)

Sau khi hoàn thành Case Study, bước cuối cùng là viết tài liệu giảng dạy. Đây là giai đoạn đưa ra những hướng dẫn để sinh viên và học viên tiếp cận Case Study. Từ đó, giảng viên có thể quyết định nội dung bài giảng, tổ chức hoạt động thảo luận để khai thác các khía cạnh chuyên môn cần thiết.

Kết

Những bí kíp viết Case Study nêu trên đây chắc chắn là “mảnh đất hứa” cho các ý tưởng bùng nổ ra đời. Hiện tại, Viện ISB đã và đang triển khai viết Case Study với các doanh nghiệp lớn để giúp nguồn tài liệu giảng dạy thêm phong phú. Hãy chờ đón những tiết học thú vị với thử thách giải tình huống kinh doanh “hóc búa” nhé các bạn sinh viên ISB ơi!

Exit mobile version